Thủ tướng Giuseppe Conte vừa đưa đơn từ chức tới Tổng thống Sergio Mattarella sau một cuộc họp nội các, chấm dứt chính phủ mới điều hành đất nước được 16 tháng.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Ảnh: AP |
Hôm 26/1, Văn phòng của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết ông đã triệu tập một cuộc họp nội các lúc 9h để thông báo cho các bộ trưởng về việc ông muốn tới Quirinale (văn phòng của Tổng thống Sergio Mattarella) để từ chức.
Động thái của ông Conte đã đẩy Italia vào tình trạng bất ổn chính trị giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành, cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người, đây là tỷ lệ tử vong hàng năm cao nhất kể từ Thế chiến II.
Giới phân tích nhận định, việc ông Conte từ chức là một chiến thuật chính trị nhằm giúp ông có cơ hội lập liên minh mới và tái xây dựng đa số ở Quốc hội.
Tuần trước, ông Conte đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại nghị viện, nhưng không đảm bảo được đa số ủng hộ tại thượng viện và khiến chính phủ của ông suy yếu.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nổ ra sau khi đảng Italia Viva của cựu Thủ tướng Matteo Renzi rời liên minh cầm quyền do bất đồng với cách ứng phó với đại dịch COVID-19 và nền kinh tế suy thoái của chính phủ.
Giới phân tích cho rằng ông Conte nhiều khả năng sẽ lại được Tổng thống Mattarella trao trọng trách thành lập chính phủ mới. Nếu ông Conte thành công trong việc thành lập một liên minh đa số mở rộng cũng như một chính phủ mới, đây sẽ là chính phủ thứ ba do ông đứng đầu trong vòng 3 năm qua.
Theo nhiều chuyên gia, hiện vẫn chưa rõ liệu giờ đây ông Conte có thành công trong nỗ lực như vậy hay không. Đảng Dân chủ (PD) và đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) hiện vẫn đang bất đồng sâu sắc trong việc nên hay không nên đàm phán lại với cựu Thủ tướng Matteo Renzi để có thêm sự ủng hộ trở lại của đảng Italia Viva.Đảng Italia Viva đã quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền ngày 13/1, gây nên cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy.
Italy đã trải qua 66 chính phủ kể từ Thế chiến II. Các chính quyền thường xuyên bị xáo trộn và sau đó liên minh lại với nhau trong các cuộc đàm phán "hậu trường" để mở đường cho việc cải tổ nội các cũng như xem xét lại các chính sách.
Mộc Miên(Theo The Guardian)