Thứ trưởng Công an thông tin chi tiết một số nội dung mới trong luật Căn cước 2023 Đời Sống Pháp Luật
    +Aa-
    Zalo

    Thứ trưởng Công an thông tin chi tiết một số nội dung mới trong luật Căn cước 2023

    (ĐS&PL) - Sáng 25/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an, đã thông tin một số nội dung mới trong luật Căn cước 2023. Luật này gồm 7 chương, 46 điều và có hiệu lực từ 1/7/2024.

    Theo báo điện tử Đảng Cộng sản, 7 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bao gồm: Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông; Luật Tài nguyên nước; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. 

    Trong đó, luật Căn cước mới được người dân đặc biệt quan tâm. Tại họp báo hôm nay, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin chi tiết một số nội dung quan trọng được quy định trong luật mới.

    Cấp, quản lý căn cước điện tử là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014.

    thu truong cong an thong tin chi tiet mot so noi dung moi trong luat can cuoc 2023
     Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin về Luật Căn cước 2023. Ảnh: An ninh Thủ đô.

    Về việc cấp, đổi thẻ căn cước trong thời gian tới, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho hay, người dân đề nghị cấp mới, cấp lại căn cước có thể thao tác trên cổng dịch vụ công quốc gia.

    Về việc lấy mống mắt, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, luật đã quy định rõ tùy vào trường hợp cấp mới, cấp lại sẽ có hướng dẫn, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, không qua trung gian, không phiền hà khi cấp mới, cấp lại.

    Theo trung tướng Hùng, so với luật Căn cước công dân năm 2014, luật mới mở rộng đối tượng áp dụng với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

    Luật Căn cước bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa quy định về thông tin số thẻ căn cước; dòng chữ "căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ" được sửa thành "số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước...". Việc thay đổi này nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

    Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước. Những thẻ căn cước công dân đã cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ, không bị tác động bởi quy định này.

    Luật mới cũng bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu, còn với người từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thẻ căn cước. Đồng thời, luật cũng bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là nội dung mới so với quy định của luật Căn cước công dân 2014, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.

    Bên cạnh đó, luật Căn cước năm 2023 còn bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước.

    Trung tướng Lê Quốc Hùng cho biết, việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Điều này giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

    Thứ trưởng Bộ Công an đề cập đến trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp, đổi lại thẻ căn cước, luật Căn cước năm 2023 quy định bổ sung việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia mà người dân không cần đến cơ quan quản lý.

    Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước cho người dân.

    Đại diện Bộ Công an cũng nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho công dân, luật đã quy định chuyển tiếp theo hướng thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu được cấp đổi sang thẻ căn cước.

    Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp, tin trên báo Thanh niên.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-truong-cong-an-thong-tin-chi-tiet-mot-so-noi-dung-moi-trong-luat-can-cuoc-2023-a604847.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tin cùng chuyên mục
    Nổi bật trong ngày