+Aa-
    Zalo

    Thu phí xe vào nội đô: Không phải biện pháp điều tiết giao thông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, những dịch vụ công, những chi phí mà Nhà nước phải bỏ ra để phục vụ cho người dân chứ không phải thu để có nguồn thu, tăng nguồn thu.

    Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, những dịch vụ công, những chi phí mà Nhà nước phải bỏ ra để phục vụ cho người dân chứ không phải thu để có nguồn thu, tăng nguồn thu, càng không phải là biện pháp để điều tiết giao thông".

    Nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, UBND TP.Hà Nội dự kiến thu phí phương tiện giao thông đi vào các tuyến đường trong nội thành.

    Trước đó, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để thu phí xe vào nội đô và phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện.

    Để thu được khoản phí trên, TP.Hà Nội đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực nội thành có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vào danh mục kèm theo luật Phí và lệ phí.

    Khi thu phí xe vào nội đô, TP.Hà Nội tin rằng “sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham gia giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế”. Người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp.

    ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực UB Về các vấn đề xã hội).

    Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực UB Về các vấn đề xã hội) cho biết: “Quan điểm của tôi, vấn đề phí là do thẩm quyền của HĐND và HĐND phải quyết định dựa trên cơ sở của pháp luật và theo quy định của luật Phí và lệ phí. Việc thu phí phải dựa trên những cơ sở nhất định chứ không phải bất kì lúc nào cũng đặt ra các loại phí. Để đảm bảo quyền lợi của người dân và đặc biệt những vấn đề liên quan đặc biệt đến quyền lợi của họ, tác động trực tiếp đến quyền lợi của họ thì phải có sự đánh giá tác động khi ban hành những văn bản đó.

    Phải có cơ sở  khoa học và thực tiễn, đây là những dịch vụ công, những chi phí mà Nhà nước phải bỏ ra để phục vụ cho người dân chứ không phải thu để có nguồn thu, tăng nguồn thu. Lệ phí phải đặt trên cơ sở phục vụ nhu cầu của xã hội. Xem những vấn đề được đặt ra có phù hợp với những tiêu chí tôi vừa nói hay không. Phải đảm bảo những yếu tố đó theo luật của thu phí và lệ phí, nếu không thì không chấp nhận được. Phí đặt ra càng không phải là biện pháp để điều tiết giao thông.

    Phí là khoản thu mang tính chất bù đắp cho những chi phí thường xuyên hay bất thường. Nếu ở đây dùng cho điều tiết lượng xe thì không đúng với mục tiêu đó. Mục tiêu của phí không phải nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Cả 2 vấn đề trên đều không đúng với tính chất của phí. Vậy các cơ quan ban ngành đã có sự nghiên cứu nào về vấn đề đó chưa hay đấy là vấn đề cưỡng chế của Nhà nước một cách bất hợp pháp.”

    Khánh Ngân
    Theo Người Đưa Tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-phi-xe-vao-noi-do-khong-phai-bien-phap-dieu-tiet-giao-thong-a243267.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan