Khi thu phí xe vào nội đô, TP Hà Nội tin rằng “sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham giao giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế”.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội. |
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở cho thành phố thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030".
TP Hà Nội cho rằng, đây là biện pháp kinh tế trong Đề án được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua vào tháng 7/2017 nhằm giảm mật độ phương tiện giao thông tại một số khu vực và giảm ô nhiễm môi trường không khí.
Khi thu phí xe vào nội đô, TP Hà Nội tin rằng “sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham giao giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế”. Người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp.
UBND TP Hà Nội cho rằng để thu được phí thì cần đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản phí này vào danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí. Đây là cơ sở để UBND TP. Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện việc thu phí xe vào nội đô.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, TP Hà Nội cũng đề xuất thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.
UBND TP. Hà Nội lý giải, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ có hơn 843 nghìn ô tô, hơn 6 triệu xe mô tô, xe gắn máy. Đến năm 2030 thì số ô tô là hơn 1,9 triệu còn xe máy là hơn 7,5 triệu.
Do đó, Thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét, giao các bộ ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc thu này, làm cơ sở cho UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện quy định để thực hiện quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy. Phương tiện thân thiện với môi trường này “đang bộc lộ hạn chế nhất định” khi lưu thông và “trở thành ẩn họa gây tai nạn” trong nội đô.
Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe máy, trên 600.000 ôtô, 7.000 xe đạp điện. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy thì đến năm 2020 thành phố sẽ có trên 800.000 ôtô; hơn 6 triệu xe máy và đến năm 2030 số ôtô sẽ lên đến gần 2 triệu, xe máy khoảng 7.500 xe. |
Xuân Đoàn