Chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội thu phí vào nội đô và phụ thu ô nhiễm môi trường sẽ khó được áp dụng và kéo theo nhiều hệ lụy khác, các hàng hoá cũng từ đó mà tăng giá theo.
UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để thu phí xe vào nội đô và phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện đang được dư luận quan tâm.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội lập đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. TP.Hà Nội đề xuất thêm biện pháp để hạn chế ô nhiễm. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA (Nhật Bản) cho biết: “Việc thu phí các phương tiện vào nội đô TP.Hà Nội sẽ rất khó được áp dụng, vì phải sửa luật mới áp dụng thu phí được. Việc thu phí phải thực hiện theo luật chứ không phải muốn thu là thu được ngay”.
Thu phí xe vào nội đô Hà Nội, không phải muốn thu là được. |
“Nếu muốn thu được phí các phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc Hà Nội phải xác định chỗ nào là điểm ùn tắc thì mới thu phí, nhưng ùn tắc giao thông ít khi xuất hiện cả ngày, chỉ ùn tắc trong một thời gian nhất định. Hà Nội có nhiều đường đi vào nội đô chẳng lẽ mỗi một đường lại làm 1 trạm thu phí như thế là không ổn”, TS. Đức chia sẻ.
Theo TS. Đức phân tích, Hà Nội ùn tắc đâu phải lỗi của người dân mà có cả lỗi của đơn vị quy hoạch, quản lý nữa chứ. Một đoạn đường hẹp phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư, tắc đường là chuyện hiển nhiên. Một bài toán khó, cần có lời giải nữa là việc Hà Nội sẽ thu phí ra sao, thu phí bằng cách nào... để đảm bảo công bằng cho người dân?.
Vậy người dân ngoại đô vào nội đô có bị thu không? Hay thu theo biển số xe? Nếu thu theo kiểu không dừng thì lại phải lập bao nhiêu trạm thu phí tại các điểm ùn tắc, nhưng ở Hà Nội đâu phải lúc nào cũng ùn tắc giao thông mà lập trạm, chưa kể đến việc dán tem thu phí không dừng. Còn điểm bất cập nữa là những người ở tỉnh lẻ, cả năm họ mới lên Hà Nội một vài lần, chẳng lẽ họ cũng phải dán tem thu phí này?
TS. Đức lo ngại, việc thu phí sẽ khiến cho hàng hoá đưa vào nội đô sẽ tăng cao vì phải gánh thêm loại phí này. Hà Nội đã có hàng chục giải pháp chống ùn tắc từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả, phải chăng Hà Nội bế tắc trong việc giải quyết ùn tắc nên nghĩ ra việc thu phí này.
Còn đối với phí môi trường, hiện nay, chúng ta đã đánh thuế môi trường vào xăng dầu rồi, bây giờ lại thu phí khí thải xe thì có phải là phí chồng phí không? Để thu được phí môi trường từ các xe lại phải tiêu tốn thêm các chi phí kiểm định chất lượng. Đáng chú ý nữa thu phí là một hình thức để tăng nguồn thu chứ không phải là một biện pháp để cưỡng chế cho những việc khác.
Thế Anh/Người Đưa Tin