Ngày 18/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ đại án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Oceanbank đối với Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Ngày 18/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Oceanbank để xét đơn kháng cáo của Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank cùng 30 bị cáo đồng phạm.
Ngày 18/4, TAND Cấp cao tại HN xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9/2017, Hà Văn Thắm bị TAND TP.Hà Nội tuyên án chung thân về tội Tham ô tài sản; 20 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 19 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và 18 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung cho cả 4 tội danh mà bị cáo Thắm phải chấp hành là tù chung thân.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Hà Văn Thắm nêu mình không biết, không bàn bạc, không bao giờ đồng ý để Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt và tham ô số tiền mà Oceanbank thông qua Sơn chuyển cho khách hàng gửi tiền là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Do vậy, Hà Văn Thắm cho rằng mình không thể đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn.
Ngoài ra, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank cũng cho rằng mình không được hưởng lợi từ hành vi tham ô của Nguyễn Xuân Sơn (nếu có). Do vậy, Hà Văn Thắm đề nghị tòa cấp phúc thẩm không kết án tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tiếp theo, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank kháng cáo kêu oan về tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên phạt tử hình về tội Tham ô tài sản; tù chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và 17 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt chung cho cả 3 tội danh mà bị cáo Sơn phải chấp hành là tử hình.
Các bị cáo còn lại cũng lần lượt có đơn kháng cáo xin được xem xét lại tội danh và giảm nhẹ hình phạt; xin được hưởng án treo và xin được miễn trách nhiệm hình sự.
Liên quan trong vụ án, bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cũng có đơn kháng cáo xin xem xét lại toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngoài kháng cáo của 31/51 bị cáo trong vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm, 3 tổ chức và cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo về vấn đề bồi thường thiệt hại.
Dự kiến phiên xét xử kéo dài trong hai tuần. Thành phần HĐXX gồm 3 thẩm phán, trong đó, thẩm phán Ngô Hồng Phúc làm chủ tọa phiên tòa.
Theo Người Đưa Tin