Theo thông tin trên VnExpress, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/1 cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã "quyết định công bố luật" về việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được quốc hội thông qua trước đó, đồng thời ký sắc lệnh duyệt nghị định thư xin gia nhập của Stockholm.
Văn bản phê duyệt cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được gửi đến Washington theo quy định của NATO. Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Bộ Ngoại giao sẽ lập tức gửi thông báo cho quốc hội sau khi nhận được văn kiện.
Động thái của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt nhiều tháng trì hoãn, hoàn tất quá trình phê duyệt của Ankara sau khi Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO.
Được biết, sự chậm trễ này đã khiến một số đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng nhưng giúp Ankara đạt được những nhượng bộ nhất định. Mỹ sắp tới sẽ bắt đầu nỗ lực nhằm đảm bảo quốc hội ủng hộ bán lô tiêm kích F-16 trị giá 20 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo Dân Trí dẫn thông tin trên Reuters cho hay, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter): "Chúng tôi hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Chúng tôi hiện đã đạt được một cột mốc quan trọng trên con đường trở thành thành viên đầy đủ của NATO".
Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom, "chỉ còn sự phê chuẩn của Hungary trước khi Thụy Điển có thể trở thành thành viên NATO". Thủ tướng Hungary Victor Orban tuần này tuyên bố ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.
Ngày 23/1, Thủ tướng Orban viết trên nền tảng X rằng, ông đã mời người đồng cấp Thụy Điển Kristersson đến Budapest "để thảo luận" về việc gia nhập NATO. Ông Kristersson hôm 25/1 bày tỏ sẵn sàng gặp người đồng cấp Hungary để thúc đẩy Budapest nhanh chóng phê duyệt.
Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Phần Lan được kết nạp vào liên minh hồi tháng 4/2023, khiến đường biên giới của NATO với Nga tăng gấp đôi.
XEM THÊM: Tỷ phú giàu nhất Ukraine mất tài sản tại Nga
Trong khi đó, quá trình gia nhập của Thụy Điển gặp nhiều trở ngại hơn. Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển thực hiện nhiều bước hơn để kiềm chế các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - nhóm bị Liên minh châu Âu và Mỹ coi là nhóm khủng bố. Stockholm sau đó đưa ra luật chống khủng bố và dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Tổng thống Erdogan từng tuyên bố, ông sẽ không ký thông qua kết nạp Thụy Điển vào NATO nếu Mỹ không phê chuẩn thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara.
Thổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thư cho lãnh đạo các ủy ban chủ chốt của quốc hội, thông báo cho họ về việc bắt đầu quy trình chính thức bán F-16 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt quy trình gia nhập NATO của Thụy Điển.
Đinh Kim(T/h)