Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Politico cho hay, trao đổi với hãng tin DPA của Đức trong tuần này, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo được tổ chức ở Washington (Mỹ) từ ngày 9/7-11/7/2024. Theo Tổng thư ký Stoltenberg, Thụy Điển sẽ trở thành thành viên chính thức của NATO vào thời điểm đó.
Năm 2022, Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo quy định, hồ sơ của hai nước cần phải được tất cả 30 quốc gia thành viên NATO chấp thuận.
Hồ sơ của Helsinki nhanh chóng được thông qua và Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4/2023. Trong khi đó, Thụy Điển vẫn đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary “bật đèn xanh”.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trong hơn một năm. Nước này cho rằng, Thụy Điển quá khoan dung đối với các nhóm mà Ankara coi là mối đe dọa đối với an ninh, bao gồm lực lượng người Kurd đối lập và các thành viên của mạng lưới mà Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016.
Ngày 26/12/2023, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Nghị định thư gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển sẽ cần phải được thông qua tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để Ankara phê chuẩn tư cách thành viên của Stockholm. Hiện tại, chưa rõ thời điểm quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp để bàn về việc này.
Người đứng đầu ủy ban Fuat Oktay tuy hạ thấp kỳ vọng về một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng tại đại hội đồng khi khẳng định với báo giới rằng chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ấn định thời gian tổ chức phiên toàn thể để bỏ phiếu nhưng nhấn mạnh rằng những bước đi mà chính quyền Thụy Điển đã thực hiện cho đến hôm nay và những cam kết mà nước này đưa ra là “đáng hài lòng”, theo thông tin trên VOV.
Trước động thái mới nhất của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết nước này hoan nghênh bước đi tích cực nói trên và mong muốn sớm được gia nhập NATO.
Trong khi đó, Trợ lý Tổng thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh Boris Ruge cũng có dòng trạng thái trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng sự chấp thuận của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ là “tin tức tuyệt vời”.
Về phía Hungary, Thủ tướng Viktor Orban hồi cuối tháng 12/2023 tiết lộ, Quốc hội nước này đang lưỡng lự về việc thông qua đề xuất của Thụy Điển, theo thông tin trên VietNamNet. Budapest hiện vẫn chưa ấn định thời điểm phê chuẩn tư cách thành viên của Stockholm.
Đinh Kim (T/h)