(ĐSPL) - Việc một số thí sinh đạt điểm đỗ ĐH khối Công An, Quân sự nhưng không đủ tiêu chuẩn được nhập học, viết tâm thư gửi các Bộ trưởng để "cầu cứu" đã gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh những lý do hay đề xuất chính đáng, việc làm này dường như đang trở thành “phong trào”.
Khi tâm thư trở thành "phao cứu sinh"
Khi làm hồ sơ thi tuyển đại học, Bùi Kiều Nhi (SN 1997) trú tại xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, (Quảng Bình) đăng ký vào trường Học viện Chính trị Công an nhân dân. Thí sinh này thi tại Hội đồng thi Đại học Huế với số điểm thi 3 môn lần lượt là: Ngữ văn: 8,75 điểm, Lịch sử: 9 điểm, Địa lý: 9,75 điểm, tổng điểm thi: 27,5 điểm, cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực, tổng là 29 điểm. Trong bảng kết quả trúng tuyển của trường Học viện Chính trị Công an nhân dân, Kiều Nhi xếp thứ hai (chưa cộng điểm khu vực).
Ngày biết tin mình trúng tuyển, mẹ con Nhi mừng rơi nước mắt, bởi ước mơ, hoài bão của em đã trở thành hiện thực. Con đường đền đáp công ơn của ba mẹ đang ngày một gần hơn.
Thế nhưng, những ngày đầu tháng 9, Nhi bỗng nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hóa thông báo về việc hồ sơ của Nhi không đủ điều kiện để nhập học các trường Công an nhân dân. Lý do được đưa ra là Nhi đã không trung thực trong quá trình khai báo hồ sơ lý lịch.
Dù không trung thực trong khai báo nhưng Nhi đã được bộ trưởng xem xét và đồng ý cho theo học ngành Công an |
Sau khi viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Bùi Kiều Nhi đã được xem xét và đồng ý cho theo học tại Học viện Chính trị Công an nhân dân.
Tuy nhiên cũng từ đó, sau khi báo chí xôn xao về hiệu ứng viết tâm thư gửi các Bộ trưởng thì sự việc lại tiếp diễn ở một số tỉnh khác, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Theo đó, trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, em Nguyễn Đức Ngà, xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn (Nghệ An) xuất sắc đạt 28 điểm khối A với điểm các môn thi lần lượt là Toán: 9, Hóa: 9,5, Lý: 9,5; Khối B em đạt 27 điểm. Chính vì kết quả đó, em đã được tuyên dương trong buổi lễ vinh danh học sinh có điểm thi cao trong kỳ thi 2015 toàn tỉnh Nghệ An.
Ngày 8/6 vừa qua, Nguyễn Đức Ngà còn vinh dự được Chi bộ trường THPT Nam Đàn 2 kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Em Ngà và bố chia sẻ với báo chí |
Ngày Ngà nhận được giấy báo nhập học của Học viện Cảnh sát Nhân dân, ai cũng cho rằng điều đó hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng vì án tù treo của bố cách đây 22 năm, em đứng trước nguy cơ phải bỏ lỡ cơ hội.
Theo ông Nguyễn Đình Hóa (53 tuổi, bố em Ngà) cho biết, năm 1993, ông vướng vào một vụ đánh nhau. Sau khi tòa xét xử, ông Hóa bị kết án treo rồi ở nhà lao động sản xuất bình thường. "Sau khi tòa kết án tôi cũng ở nhà như mọi người. Chính quyền địa phương cũng không kiểm tra, kiểm soát gì, bởi bản chất tôi như thế nào người làng đều biết. Nếu biết cơ sự như thế này tôi đã đi xin xóa án tích".
Bên cạnh việc Ngà viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Công an, chiều 19/9, khi biết tin buồn này, cô Lưu Thị Thanh Trà, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nam Đàn 2 đã viết 1 bức tâm thư gửi lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân để xin cho em Ngà có cơ hội được đứng vào hàng ngũ công an nhân dân.
Và mới đây nhất là trường hợp em Bùi Đình Sơn, ở xóm 1, xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An). Em này cũng vừa có bức tâm thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Được biết, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015, Bùi Đình Sơn xuất sắc giành được tổng điểm 27 (Toán 9; Lý 9; Hóa 9), chưa cộng điểm ưu tiên. Với số điểm trên, em đã nộp hồ sơ và trúng tuyển Học viện Hậu cần. Ít lâu sau em nhận được giấy báo nhập học và đã tiến hành làm các hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của nhà trường. Tuy nhiên lúc khám sức khỏe, Sơn bàng hoàng khi được thông báo rằng em thiếu 1 quả thận bẩm sinh, nên không đủ điều kiện để theo học tại trường này. Chiều ngày 20/9, sau khi viết xong bức tâm thư Sơn đã bắt xe ra Hà Nội với mong muốn gửi đến tận tay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Được biết, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015, Bùi Đình Sơn xuất sắc giành được tổng điểm 27 (Toán: 9; Lý: 9; Hóa: 9), chưa cộng điểm ưu tiên. Với số điểm trên, em đã nộp hồ sơ và trúng tuyển Học viện Hậu cần, ít lâu sau em nhận được giấy báo nhập học và đã tiến hành làm các hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của nhà trường.
Thí sinh Sơn xót xa khi kể về việc mình không đảm bảo sức khỏe để vào trường Quân sự. |
Nhiều ý kiến trái chiều
Nói về trường hợp của Ngà, trao đổi với báo chí về việc viết bức tâm thư, cô Lưu Thị Thanh Trà, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nam Đàn 2 cho biết, bản thân cô hiểu rõ việc vào học tại Học viện Cảnh sát nhân dân là rất nghiêm ngặt; việc bố của Ngà từng dính án tù treo đã trở thành lý do khiến Ngà không đủ tiêu chuẩn chính trị vào trường. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực khá giỏi, việc khai nhận trong sơ yếu lý lịch là sơ suất không đáng có nên nhà trường mong em vẫn có cơ hội được vào nhập học tại Học viện Cảnh sát nhân dân.
Trao đổi trên báo chí, thầy giáo Lê Ngọc Hưng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C4, Trường THPT Nam Đàn 2 nơi em Ngà học, buồn bã cho biết: "Nói về học lực hay hạnh kiểm của em Nguyễn Đức Ngà thì tôi có thể nhận xét em là một học sinh toàn diện của Trường Nam Đàn 2. Khi tôi biết tin em không đủ điều kiện nhập học, tôi cảm thấy buồn cho em. Vẫn biết quy định của pháp luật là vậy nhưng tôi mong muốn các vị lãnh đạo xem xét đến trường hợp của em. Em ấy không đáng phải nhận một bản án mà cách đây 22 năm bố em ấy đã gây ra..."
Thượng tá T. V. K., nguyên là Phó phòng Chính trị Công an tỉnh Nghệ An cho hay: “Quan điểm là ủng hộ cái đúng nhưng không vì thế mà mình phá vỡ quy định. Nếu ai cũng được nhận thì ngành công an vô hình chung sẽ trở thành một môi trường không thực sự trong sạch khi có những cá nhân là con em người phạm tội. Tôi nghĩ khi đứng vào hàng ngũ công an thì sẽ rất khó làm việc, thậm chí là ảnh hưởng đến xã hội sau này”.
Độc giả M. V. H. cho rằng: “Vào ngành Công an hết sức là khó khăn, nhất là phải thật trong sạch về mặt lý lịch dòng tộc. Theo tôi, hãy sống và làm việc theo pháp luật. Nếu giải quyết 1 trường hợp đó thì chúng ta phải giải quyết nhiều trường hợp khác. Điều đó dễ dẫn đến tiền lệ phong trao cổ xúy".
Còn theo độc giả N. T. H (SN 1973): “Về trường hợp của Ngà và Sơn: Nếu không được có thể nên theo học ngành khác vì quy định nghiêm ngặt của ngành Công an, Quân sự là chọn nhân tài trong số những người đảm bảo về lý lịch, sức khỏe chứ không chọn nhân tài ở ngoài xã hội. Như vậy lý lịch được quy định trong ngành Công an, Quân sự là điều kiện bắt buộc số 1, không thể chiếu cố hay thông cảm được, đây là ngành đặc thù của Quốc gia, không thể tuyển chọn tùy tiện.”
Nhiều ý kiến ủng hộ việc xác minh thông tin các trường hợp này song cũng cho rằng, trong mọi vấn đề cần đề cao sự thượng tôn pháp luật, không thể vì môt vài trường hợp đặc biệt mà làm ảnh hưởng đến quy tắc chung, sự công bằng đối với rất nhiều thí sinh khác.
NGỌC TUẤN
[mecloud]w0PiRewrK7[/mecloud]