Mới đây, thông tin từ Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cho biết, tác phẩm Thi pháp Truyện Kiều của GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử đã được Nhà xuất bản Kimé Paris xuất bản với tựa La Poétique Du Kiều. Đây là một trong số những ấn phẩm nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam hiếm hoi được dịch và xuất bản tại Pháp, dự kiến phát hành vào giữa tháng 9/2024 trên toàn cầu.
Ấn bản tiếng Pháp này được thực hiện trong khuôn khổ dự án hợp tác Việt - Pháp, giữa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Sư phạm cao cấp Paris, kéo dài từ năm 2014 đến nay, do Giáo sư Michel Espagne chủ trì dự án.
Cuốn sách Thi pháp Truyện Kiều được GS.TS Trần Đình Sử nghiên cứu kỹ lưỡng, khắc họa chi tiết, chuyên sâu, tỉ mỉ Truyện Kiều của Nguyễn Du, được đánh giá là ấn phẩm học thuật uy tín cấp quốc gia.
Điểm mới lạ của ấn phẩm này không chỉ nằm ở lối viết phân tích sắc sảo của tác giả mà đặc biệt là phương pháp tiếp cận và hệ thống biện luận chặt chẽ của tác giả để đi đến những kết luận và nhận xét xác đáng. Nền tảng lý luận mang lại giá trị khoa học cho cuốn sách này của GS. Trần Đình Sử được xây dựng thông qua hệ thống lý thuyết mà giáo sư đã tiếp nhận từ phương Tây, qua tính liên ngành trong phương pháp nghiên cứu của ông. Từ đó, cho phép độc giả được khám phá tác phẩm Truyện Kiều theo cách mới, ở những góc nhìn sáng tạo.
Bằng tư duy mạch lạc trong nghiên cứu văn học so sánh và sự nhạy bén của một nhà lý luận văn học, GS. Trần Đình Sử đã truyền tải được một tầm nhìn mới cũng như những khám phá tinh tế và thế giới quan nghệ thuật trong tác phẩm văn học kinh điển nhất của lịch sử văn chương Việt Nam.
GS. Trần Đình Sử cũng là nhà khoa học đầu tiên vận dụng lý thuyết thi pháp học để phân tích và nghiên cứu tác phẩm văn học, mở đường cho trường phái phê bình thi pháp học trong văn học Việt Nam đương đại. Thật vậy, “Thi pháp Truyện Kiều” của Trần Đình Sử chính là thành quả của quá trình chiêm nghiệm và thực hành thi pháp học.
Với “Thi pháp Truyện Kiều”, tác giả đã tập trung nghiên cứu tác phẩm Truyện Kiều dưới mọi phương diện sáng tạo nghệ thuật của tác phẩm. Từ đó, chỉ ra được mối liên hệ của Truyện Kiều với các thể loại văn học truyền thống dân tộc, nêu rõ thế giới quan nghệ thuật và sự sáng tạo của Nguyễn Du, chỉ ra các hình thức ngôn từ, như: độc thoại nội tâm, đối ngẫu, điển cố, ẩn dụ, hình thức cốt truyện, loại hình tự sự… vốn là những thành tố tạo nên một thi pháp của Nguyễn Du.
Cuốn sách được dịch và xuất bản tại Pháp ngoài việc chuyển ngữ 6 chương gốc, còn có thêm 1 chương do dịch giả Trần Lê Bảo Chân viết, giới thiệu về GS. Trần Đình Sử và sự nghiệp nghiên cứu, phê bình văn học của ông, cùng phần dẫn nhập tổng quan cho độc giả Pháp làm quen với Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.