Bất chấp phản đối của hậu duệ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và cán bộ hưu trí, gần 30 năm tỉnh Kiên Giang vẫn cho rằng thi hài trong mộ chính là hài cốt của cụ Nguyễn.
Ly kỳ việc tìm hài cốt cụ Nguyễn
Ngày 27/10/1868 (tức 12/9 âm lịch), cụ Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp bắt và chém đầu tại chợ Rạch Giá. Về thi thể của cụ được nhiều người cho rằng Pháp đã bêu đầu ông giữa chợ để thị uy nhưng đến đêm có người cướp mất. Cho đến nay, không có tài liệu nào xác định thi thể cụ Nguyễn được chôn ở đâu.
Theo giả thiết, thi thể cụ được chôn nơi kín đáo, bí mật vì sợ người dân khai quật hài cốt của cụ để làm biểu tượng tiếp tục khởi nghĩa chống Pháp. Có ý kiến rằng Pháp chôn hài cốt của cụ Nguyễn trong dinh Tham biện, cho đóng cọc và xiềng xích chung quanh.
Lại có nhận định, cụ Nguyễn được chôn trong khuôn viên tòa bố (dinh tỉnh trưởng) thời đó có ngôi mộ bao bọc dây xích chung quanh. Tuy nhiên, có người xác định đây là mộ của một viên trung úy hải quân Pháp, dây xích vòng quanh là dây trang trí và trong đó có cả một mũi neo bằng sắt.
Khu mộ Nguyễn Trung Trực tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang. |
Khoảng năm 1970-1971, tỉnh trưởng Kiên Giang ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Tài đã cho đúc tượng đồng cụ Nguyễn dựng trước Nhà lồng chợ Rạch Giá. Ông đã từng treo giải thưởng, ai tìm thấy hài cốt của cụ để an táng sẽ được thưởng 1 triệu đồng và 1 vé du lịch Singapore nhưng không có kết quả.
Trải qua nhiều cuộc tìm kiếm, đến năm 1986, qua sự khai quật của nhà văn Sơn Nam, Sở Văn hóa tỉnh Kiên Giang cho khai quật ngôi mộ được cho là của cụ Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên tòa bố cũ và đưa bộ hài cốt về chôn ở đền thờ cụ Nguyễn ở thị xã Rạch Giá. Từ đó đến nay, những ngày lễ, giỗ, hàng ngàn người đến cúng bái tỏ lòng tri ân đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Bị chặt đầu nhưng còn nguyên xương đốt cổ
Tháng 4/1986, theo sự chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam, Bảo tàng Kiên Giang tổ chức khai quật ngôi mộ dưới gốc một cây đa trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang được cho là nơi chôn xác cụ Nguyễn.
Bảo tàng Kiên Giang đã mời ông Lê Trung Khá, cán bộ khảo cổ chuyên ngành động vật học và nhân chủng học tại TP.HCM tham gia giám định hài cốt. Nội dung chính biên bản khai quật của bảo tàng ghi nhận xét của ông Lê Trung Khá (không có chữ ký của ông Khá và ghi sai họ thành Nguyễn Trung Khá): “Xương tộc Việt, đàn ông. Người cao khoảng 1,60m, người này khoảng 50 tuổi, bộ xương này đã chôn trên 100 năm. 7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên. Người này ăn trầu, có vẻ nghèo vì mộ bằng đất, ván hàng gỗ tạp và không có vật lễ mang theo”.
Thật hết sức bất ngờ, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử chém đầu khi ông mới 30 tuổi nhưng xương cổ, xương hàm còn nguyên.
Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Khương Ninh, hậu duệ đời thứ năm của cụ Nguyễn và một số cán bộ lão thành lẫn cán bộ đương nhiệm ở Kiên Giang đã phản biện cho rằng đó không phải là hài cốt của cụ. Một trong những người phản ứng mạnh mẽ việc vội vã xác định ngôi mộ và hài cốt của cụ Nguyễn là ông Nguyễn Tấn Thanh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nay đã mất) và con trai là Nguyễn Tiến Dũng (lúc đó là cán bộ Công an tỉnh Kiên Giang).
Sau 30/4/1975, ông Thanh được cấp nhà trong khuôn viên dinh tham biện cũ của Pháp và ngôi mộ được khai quật nằm sát cạnh ngôi nhà của ông đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh, không chỉ với tư cách một lãnh đạo địa phương mà còn với tình cảm của người ngưỡng mộ cụ Nguyễn Trung Trực.
Trong văn bản, ông Thanh viết: “Khi rõ lại (xem lại) ngôi mộ kế nhà tôi, tôi phản đối vì ngôi mộ này trước khai quật tôi có đến xem, là ngôi mộ hòm rương cây danh mộc tốt, có đầu, mình tay chân đủ, chôn cất đàng hoàng. Hỏi bà con lão thành người ta nói là một người tay sai làm nhà cho Tây có công, khi chết nó có chính sách chôn cất đàng hoàng”.
Ông Ninh đã cất công truy tìm tài liệu, phát hiện đến hai biên bản giám định hết sức sơ sài và có nhiều khuất tất. Biên bản thứ nhất phân nội dung của ông Lê Trung Khá ghi tuổi của xương khai quật được là 50 tuổi. Thế nhưng biên bản thứ hai, tuổi được sửa còn 40. Biên bản được sửa là bản sao bằng giấy than màu xanh của bản chính.
Theo lời ông Nguyễn Khương Ninh, ông đã đến TP.HCM tìm gặp ông Lê Trung Khá. Ông Khá khẳng định, hai biên bản của Bảo tàng Kiên Giang lập không ghi đúng nội dung giám định của ông. Chính tay ông Khá đã viết hai biên bản giám định, một bản do ông giữ, còn một bản giao cho ông Dương Văn Truyện (lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang).
Ông Khá xác định nội dung giám định là: “7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên, chứng tỏ người chết không bị chém đầu, còn nhiều chiếc răng bị mòn vẹt dính chất vôi, chứng tỏ người chết cao niên và có ăn trầu”. Ông Khá xác định bộ hài cốt này không phải của cụ Nguyễn Trung Trực. Còn biên bản giám định hài cốt do ông giữ đã được đưa vào lưu trữ tại TP.HCM.
Ngoài ông Thanh, ông Ninh kịch liệt phản đối việc nhận thi hài người khác cho rằng của cụ Nguyễn, các nhân sĩ tên tuổi như giáo sư bác sĩ Trần Cửu Kiến cũng lên tiếng góp ý. Ngay thực tế khách quan của bộ hài cốt là bằng chứng hiển nhiên không có đặc thù của thân thế cụ Nguyễn bị chết chém năm 30 tuổi nhưng xương của hài cốt đã 50 tuổi, xương cổ còn nguyên. Ngôi mộ bằng đá, chạm khắc hoa văn, có bia chữ Hán.
Lẽ nào người Pháp lại ưu ái quý trọng cụ Nguyễn đến mức xây mộ đá khắc bia nằm ngay trong dinh tỉnh trưởng? Chính Thống Đốc Nam Kỳ đã bác bỏ đề nghị của Huỳnh Công Tấn xin tha cho cụ Nguyễn vì lý do “người này đã giết quá nhiều binh lính và sĩ quan Pháp”.
Chủ tỉnh Kiên Giang là Arnoux (có người ghi là Reneoul), biết đọc chữ Hán, khi đi dự lễ kỳ yên ở đình Vĩnh Thanh Vân nhìn thấy bài vị cụ Nguyễn thờ trong đình đã hầm hầm bỏ về làm hương chức hội tế Rạch Giá sợ xanh mặt. Bên cạnh đó, thi hài vị Anh hùng dân tộc nhưng được khẳng định bằng biên bản chung chung, phản khoa học. Đáng tiếc, tỉnh Kiên Giang vẫn không xem xét trả lời trước công luận, liệu có xứng đáng với sự hy sinh của bậc tiền nhân?