Ngày 27/4, Cộng hòa Trung Phi đã trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới sau El Salvado công nhận tiền điện tử Bitcoin là tiền hợp pháp.
Quốc hội Cộng hòa Trung Phi đã biểu quyết thông qua quyết định trên và Tổng thống Faustin Archange Touadera ký ban hành luật quản lý tiền mã hóa tại nước này.
Bitcoin sẽ được sử dụng song song với Franc CFA, loại tiền của quốc gia này trước đó. Franc CFA là đồng tiền chung do Ngân hàng các Quốc gia Trung Phi (BEAC) quản lý.
Bộ trưởng tài chính Herve Ndoba của Cộng hòa Trung Phi thì lại xem Bitcoin là cơ hội để nước này vươn lên. "Có một câu chuyện quen thuộc rằng các quốc gia châu Phi cận Sahara thường đến sau khi tiếp cận công nghệ mới. Lần này, chúng tôi có thể tự tin rằng đất nước đã đi trước một bước", ông Ndoba nói.
Cộng hòa Trung Phi là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột dân sự kéo dài 9 năm và có một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khai thác khoáng sản, phần lớn trong số đó là phi chính thức.
Sự thay đổi lớn về giá của Bitcoin khiến nó trở nên rủi ro khi được lựa chọn làm kho lưu trữ giá trị và thời gian xử lý giao dịch dài khiến loại tiền điện tử này trở nên không thực tế đối với các giao dịch có giá trị thấp.
Giới phê bình khẳng định chuyển khoản ẩn danh sử dụng tiền điện tử còn là một công cụ hoàn hảo cho tội phạm buôn người và rửa tiền. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương phương Tây quan ngại về khả năng tiền điện tử được sử dụng để né tránh các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, tháng 9/2021, El Salvado đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa tiền điện tử Bitcoin. Tuy nhiên, quyết định đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia và tổ chức tài chính. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), việc sử dụng Bitcoin làm tiền tệ chính thức tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ khách hàng, minh bạch và ổn định tài chính.
Linh Chi(T/h)