Reuters thông tin, ngày 18/6, bộ Y tế Chile cho biết quốc gia này ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên. Đó là một thanh niên ở Santiago, có tiền sử trở về từ châu Âu. Sức khỏe hiện tại của bệnh nhân khá tốt, không có biến chứng nhưng đã xuất hiện nhiều tổn thương, đóng vảy, phát ban và nổi hạch.
Serbia cũng mới phát hiện ca mắc đậu mùa khi đầu tiên. Theo Viện Y tế Công cộng Serbia, bệnh nhân là người nhập cảnh, đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Cơ quan y tế Serbia đã điều tra dịch tễ, truy vết, kiểm soát sự lây lan của ca nhiễm đầu tiên.
Báo cáo mới từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 19/6, bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 42 quốc gia ở 5 khu vực châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương.
Tổng số trường hợp đã xác nhận là 2.103 ca. Một ca tử vong tại Brazil đang chờ WHO điều tra. Trong khi đó, một bệnh nhân khác ở Nigeria đã được xác nhận là ca tử vong vì đậu mùa khỉ đầu tiên trong đợt bùng phát này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 18/6, WHO cho hay đã bỏ sự phân biệt giữa các nước coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu và không phải bệnh đặc hữu trong dữ liệu của mình về bệnh, từ đó thống nhất phản ứng tốt hơn đối với loại virus này.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh trước đó chỉ vài tháng, bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ biết đến ở các nước khu vực Tây và Trung Phi nhưng nay lại xuất hiện tại nhiều châu lục khác trên thế giới.
WHO dự kiến sẽ mở cuộc họp khẩn vào ngày 23/6 để xác định xem liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ngoài khu vực Tây và Trung Phi có trở thành tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế hay không. Đây cũng là mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra.
Đinh Kim (T/h)