Kinh doanh trên vỉa hè tại Pháp
Tại thủ đô Paris của Pháp, có tới hơn 1.500 quán cà phê và nhà hàng vỉa hè từ bình dân đến sang trọng, từ những khu du lịch nổi tiếng như Champs-Elysées, Opéra, Grands Boulevards, Saint-Germain des Prés, Saint-Michel... đến mỗi con phố nhỏ khắp thành phố đều có và chính là đặc sản của "Kinh đô ánh sáng".
Đây được xem là điểm du lịch thú vị với du khách nước ngoài, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch khi đến quốc gia này. Tại đây, du khách sẽ thưởng thức món ăn đặc sản và thưởng thức phong cảnh xung quanh và ngắm nhìn người qua lại.
Chính quyền Pháp cho phép các hộ kinh doanh quán cà phê, nhà hàng được kê bàn ghế bên ngoài lề đường nhưng phải tuân theo quy định bàn ghế nằm gọn trong mái hiên khoảng 3 - 6m. Người dân và du khách vừa có thể uống cà phê, vừa ngắm nhìn đường phố. Những quán cà phê ven đường này từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa tinh túy của "Kinh đô ánh sáng".
Mỹ quy hoạch khu vực bán hàng rong
Mỹ là một ví dụ khác. Là nước công nghiệp phát triển, cường quốc kinh tế nhưng vẫn sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh. Tại thành phố Boston có con đường tự do (Freedom Trail) nối từ Tòa thị chính đến 16 điểm du lịch. Trên con đường này có những quầy hàng tự do để du khách khám phá ẩm thực đặc trưng mà không cần hướng dẫn viên du lịch.
Quảng trường Thời đại ở New York trở thành khu vực phát triển, sầm uất với những quán hàng ven đường, xe đẩy..., thúc đẩy nền kinh tế vỉa hè phát triển lớn mạnh. Các hộ kinh doanh phải nộp 50 USD để có được giấy phép hoạt động. Năm 1995, giới chức thành phố từng đề xuất "thủ tiêu" các gánh bán hàng rong này.
Tuy nhiên, sau đó họ đã đưa ra các chính sách, quy hoạch khu vực bán hàng rong trên 130 tuyến phố. Điều này đã cho thấy, tiềm năng kinh tế từ vỉa hè là rất lớn và không chỉ giải quyết hợp thức hóa lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, mà còn cho thấy việc có thể quản lý và thu về một nguồn lợi lớn từ việc kinh doanh vỉa hè vào ngân sách quốc gia.
Nếu người bán hàng rong ở New York sử dụng bàn vượt quá kích cỡ cho phép để bày hàng kinh doanh, đặt bàn quá gần lề đường và bán hàng trong khung giờ cấm có thể bị phạt tới 1.500 USD.
Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ban hành Quy định sử dụng vỉa hè trong kinh doanh từ tháng 4/2007. Theo đó, cá nhân, công ty có nhu cầu phải nộp đơn online qua Cơ quan quản lý đường bộ và giao thông vận tải (RTA) xét duyệt. Kèm theo, giấy phép kinh doanh và sơ đồ phần vỉa hè định xin sử dụng.
Đơn sẽ được xử lý trong lâu nhất là 2 ngày và người xin cấp phép có thể tự in giấy phép trong trường hợp được chấp thuận. Giấy có hiệu lực một năm, phí cấp mới hoặc gia hạn là 220 AED (60 USD). Với cơ sở có bày biện bàn ghế ra vỉa hè, phí này sẽ tăng thêm 10.000 AED nữa (2.700 USD). Giấy này chỉ được cấp cho cá nhân hoặc công ty sở hữu nhà hàng, quán cà phê hoặc khách sạn, máy bán hàng tự động, không xét các loại hình kinh doanh khác.
Khi sử dụng, các cơ sở kinh doanh phải chừa tối thiểu 2 m chiều rộng vỉa hè cho người đi bộ. Bàn ghế và tấm che nắng không được chắn tầm nhìn của phương tiện giao thông; không được ghim, vít, neo bất cứ thứ gì vào vỉa hè, thậm chí không được trải thảm.
Các loại bàn ghế, cột kèo không được cao quá một mét. Tivi, máy chiếu gây xao lãng người điều khiển phương tiện, các bức tượng, tác phẩm điêu khắc... bị cấm đặt ở vỉa hè do ảnh hưởng việc đi bộ. Nếu vi phạm các quy tắc này, tùy mức độ, chủ nhà hàng sẽ bị xem xét tước giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Hàn Quốc
Hàn Quốc đã quy hoạch rất bài bản từng khu để phát triển kinh tế vỉa hè ở thành phố Seoul. Đến những khu như Insa-dong hay Myeongdong sẽ thấy rất nhiều quầy ẩm thực hay bán phụ kiện, quà lưu niệm bày ra ngay giữa đường. Tại các khu phố có quy hoạch bán hàng trên vỉa hè này, đường sẽ được chặn, ngăn xe để dành riêng cho người đi bộ.
Tại đây, những quầy bán đồ ăn, quà lưu niệm được đặt xen kẽ với làn đường dành cho khách đi bộ. Rất nhiều du khách khi đến Hàn Quốc đã rất thích thú khi được trải nghiệm cảm giác dạo quanh các khu buôn bán vỉa hè này để mua sắm, ăn uống những món đặc sản, mang nét đặc trưng của Hàn Quốc với giá cả phải chăng.
Trừ những khu quy hoạch bán hàng rong giữa đường thì không có hiện tượng người dân nơi đây bày bán chiếm dụng vỉa hè, vì các hoạt động buôn bán được đẩy vào mặt bằng phía trong nhà dân hoặc nơi họ thuê để buôn bán, điều này góp phần làm vỉa hè thông thoáng hơn.
Ngoài những khu mua bán trên mặt đất còn có những trung tâm mua bán ngay dưới lòng đất. Các trung tâm này thường được quy hoạch theo tuyến đường di chuyển của dòng người đi từ trạm tàu điện ngầm (metro) này đến trạm tàu metro khác.
Khi đi bộ để di chuyển qua những trạm tàu tiếp theo, người đi tàu có thể dừng chân bất cứ lúc nào để mua món đồ mình thích. Việc quy hoạch các trung tâm buôn bán ngầm dọc những tuyến metro góp phần giải tỏa tình trạng buôn bán tràn lan, gây mất mỹ quan, chiếm dụng vỉa hè trên mặt đất.
Thái Lan tính phí từ gần 20 năm trước
Thái Lan đã thực hiện tính phí hàng rong sử dụng vỉa hè gần 20 năm trước. Cụ thể, năm 2005, quốc gia này ban hành bộ quy tắc về quy định và điều kiện bán hàng rong trên hè phố. Quầy hàng không được rộng quá 2m2 và cao quá 1,5m; các quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống cho người đi bộ; được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn và phân bổ thời gian bán hàng theo ca ngày, ca đêm.
Từ năm 2014, chính quyền Bangkok quyết tâm "dọn sạch" vỉa hè bằng cách phạt nặng xe đậu, đi trên vỉa hè, quầy bán hàng rong lấn chiếm không gian. Ngoài ra, người bán hàng rong ở Thái Lan phải đăng ký hoạt động có giấy phép.
Với các tiểu thương đủ điều kiện kinh doanh trên phố, chính quyền sẽ thu phí hàng năm gồm tiền giấy phép và phí vệ sinh. Việc thu phí tại thành phố Bangkok do cơ quan thuế của các quận thu hàng tháng tại chỗ, có xuất hóa đơn tài chính.
Những quầy hàng không đăng ký bán trên vỉa hè nhưng vẫn chấp hàng quy chuẩn sử dụng vỉa hè của địa phương, chính quyền có thể phạt vài trăm baht mỗi tháng. Trường hợp cố tình vi phạm, mức phạt trực tiếp mỗi lần từ 2.000 baht đến 10.000 baht (1,3 triệu đồng - gần 7 triệu đồng).
Được biết, Thái Lan không chỉ định giá thuê vỉa hè ở Bangkok theo mét vuông vì tính theo diện tích sẽ dẫn tới tình trạng không công bằng (có quầy kinh doanh tốt, có quầy lại không hiệu quả).
Do vậy, giá thuê vỉa hè ở Bangkok căn cứ theo tình hình doanh thu theo 6 tháng. Điều này có nghĩa, quầy hàng nào doanh thu cao, sử dụng mặt bằng lớn, thời gian chiếm dụng lâu phải đóng phí cao hơn dù có thể không nằm ở khu vực trung tâm.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA), mức giá thuê quầy hàng cố định ở vỉa hè sẽ tăng lên 500 baht/m2 (350 nghìn đồng) sau 2 tháng hoạt động, trong đó chưa bao gồm tiền điện và phí vệ sinh. Ngoài ra, quầy hàng có không gian cố định để giành lấy vỉa hè cho người đi bộ.
Singapore
Tương tự như Việt Nam, hoạt động buôn bán ẩm thực đường phố ở Singapore phát triển mạnh thu hút du khách quốc tế, qua đó mang tới nguồn kinh tế không nhỏ cho quốc gia. Tuy nhiên, "đảo quốc sư tử" sớm đã quản lý tốt bằng cách quy hoạch khu vực dành riêng cho người bán hàng rong, lập tuyến phố ẩm thực để tiểu thương tới buôn bán, phục vụ du khách tới thưởng thức.
Đến năm 1996, tất cả người bán hàng rong của Singapore đều đã có nơi buôn bán, được cấp giấy phép. Để được hành nghề thì những người buôn bán này sẽ phải đăng ký kinh doanh. Sau đó sẽ được học về vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng.
Ngoài ra, phố ẩm thực ở Singapore chỉ hoạt động tại các tuyến đường trong khung giờ cố định. Nghĩa là vào một khung giờ giới nghiêm, khu vực này cấm xe cộ lưu thông và chỉ dành cho người đi bộ, các quán ăn bày dọc 2 bên lề đường và khách hàng ngồi dưới lòng đường để thưởng thức món ăn và nhìn ngắm phố phường...
Phương Uyên(T/h)