Theo báo Lao Động, tại Quận 1, có khoảng 155 tuyến đường có vỉa hè rộng, đủ điều kiện được lên danh mục cho sử dụng tạm một phần, tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông. Trong đó, 84 đoạn, tuyến dự kiến làm điểm giữ xe máy tự quản; 54 khu vực cho kinh doanh, buôn bán. Còn lại 16 tuyến được làm nơi giữ xe có thu tiền.
Theo ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, nhiều tuyến có vỉa hè đủ điều kiện đã được kẻ vạch. Sau khi Sở GTVT TP.HCM có hướng dẫn dẫn về phương án thu, cách đóng phí, ông Vinh cho biết, Quận 1 đã bắt đầu cho người dân đăng ký sử dụng vỉa hè và đóng phí.
Trong khi đó, đại diện UBND Quận 3 cho biết đã khảo sát, lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 36 tuyến đủ điều kiện, như: Bà Huyện Thanh Quan, Cao Thắng, Cách Mạng Tháng Tám... Sắp tới, quận sẽ kẻ vạch nhằm phân biệt khu vực vỉa hè cho sử dụng tạm và phần cho người đi bộ. Khi muốn sử dụng vỉa hè, người dân làm giấy xin cấp phép, đóng phí theo quy định.
Quận Bình Thạnh cũng lên danh mục 18 đường đủ điều kiện cho dùng một phần để giữ xe, kinh doanh, điểm bố trí công trình... Ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh - cho biết, quận đang rà soát thêm các tuyến khác, sau đó công bố danh mục các tuyến đường được phép cho thuê để người dân đăng ký sử dụng.
Theo Sở GTVT TP.HCM, thành phố có tổng cộng 4.869 tuyến đường các loại (bề rộng từ 5m trở lên) với chiều dài 4.986km. Trong đó có khoảng 710km đường đô thị có hè phố rộng từ 3m trở lên có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông.
Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), sở đã có hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để các địa phương triển khai.
Trong đó, Sở GTVT đã công bố danh sách gần 900 đường trung tâm chia theo 5 khu vực ở thành phố được đưa ra để các quận, huyện căn cứ và áp dụng mức phí cho thuê vỉa hè, lòng đường.
Để giám sát việc thu phí, đại diện Sở GTVT cho biết đang xây dựng công cụ, phần mềm quản lí và công khai việc cấp phép. Thông qua đó, người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng.
“Người dân, hoặc cơ quan có chức năng có thể vào phần mềm để kiểm tra thông tin các vị trí lòng đường, vỉa hè được phép sử dụng, phương án sử dụng, mức phí và phản ánh đến cơ quan quản lí các nội dung liên quan đến hoạt động sử dụng. Thông qua công cụ này, sẽ giúp cho người dân tiếp cận, giám sát một cách minh bạch về quản lý trật tự đô thị” - ông Đường nói.
Cũng theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, Chủ tịch UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM về công tác quản lý sử dụng vỉa hè. Ban An toàn giao thông TPHCM sẽ tổ chức giám sát, theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện của các đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố để làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị.
Báo VietNamNet dẫn tin, theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, tổng cộng sẽ có 9 trường hợp phải nộp phí sử dụng, trong đó có 6 trường hợp sử dụng hè phố, 3 trường hợp sử dụng lòng đường.
6 trường hợp phải nộp phí sử dụng hè phố gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường có đóng phí, gồm: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ôtô phục vụ sự kiện; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ.
Thục Hiền(T/h)