Thanh niên 24 tuổi khai nhận đã lên mạng học hỏi kỹ thuật in tiền giả rồi đặt mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ việc in tiền giả. Đường dây của Tác đã bán được gần 1 tỷ đồng tiền giả cho 113 “đối tác”.
Sáng 7/5, Tiền Phong dẫn nguồn thông tin từ Công an tỉnh Nam định cho biết, sau 1 tháng tích cực điều tra, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam Định đã phá dỡ toàn bộ đường dây sản xuất tiền giả tại tỉnh này, sau đó đem đi tiêu thụ tại Nam Định và các tỉnh thành khác.
Trước đó, ngày 7/4, Công an huyện Hải Hậu phát hiện và bắt giữ đối tượng Đỗ Mạnh Tường (20 tuổi, trú tại xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đang tiêu thụ tiền giả trên địa bàn huyện này. Khám xét tại chỗ, Công an huyện đã thu giữ 7,8 triệu đồng tiền giả mà Tường định mang đi tiêu thụ.
Tường khai nhận trước đó đã sử dụng 1,7 triệu đồng tiền giả mua chiếc điện thoại nhãn hiệu OPPO để dùng. Toàn bộ số tiền giả Đỗ Mạnh Tường có được là do đã lên mạng xã hội đặt mua của Trần Hoàng Anh (18 tuổi, trú tại xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Tiền giả được sản xuất tại Nam Định và mang đi 38 tỉnh, thành tiêu thụ - Ảnh: Hoàng Long/ TTO |
Qua đấu tranh tiếp với Trần Hoàng Anh cũng như từ kết quả trinh sát, Công an tỉnh Nam Định nhận định đây là vụ án sản xuất và tiêu thụ tiền giả nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau nên đã giao cho Phòng An ninh mở rộng điều tra, làm rõ chân tướng vụ án.
Đến ngày 17/4, Công an huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã phát hiện mắt xích quan trọng nhất trong vụ án này khi bắt giữ 2 đối tượng gồm Nguyễn Văn Tác (24 tuổi) và Cao Văn Phương (25 tuổi) đều trú tại xóm 16, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang có hành vi sản xuất tiền giả tại xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 41 tờ tiền giả mệnh giá 500 nghìn đồng và toàn bộ tang vật mà các đối tượng dùng để sản xuất tiền giả như giấy in, máy, mực in, phôi tiền, máy cắt giấy…
Sau đó, kết quả điều tra của Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam định xác định nhóm "xưởng" in tiền trên chính là trung tâm của đường dây in, tiêu thụ tiền giả. Trong đó, Nguyễn Văn Tác chính là đối tượng cầm đầu.
Theo báo Đại đoàn kết, Tác khai nhận trước đó đã lên mạng “tầm sư” học hỏi kỹ thuật in tiền giả; đặt mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ việc in tiền giả cũng qua mạng xã hội.
Có kỹ thuật, có thiết bị, Tác cùng Phương bắt đầu kiếm tiền bằng cách in tiền giả để bán lấy tiền thật. Loại tiền Tác và đồng bọn thường làm giả là loại có các mệnh giá 100.000 đồng, 500.000 đồng.
“Thành quả” đến trước khi bị bắt của Tác và Phương là thông qua mạng xã hội, chúng đã bán được gần 1 tỷ đồng tiền giả cho 113 “đối tác” ở 38 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với mức giá 1 triệu tiền thật đổi được 5-6 triệu đồng tiền giả, Tác và Phương đã thu lời bất chính 135 triệu đồng tiền thật...
Vì những thành tích xuất sắc trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, chiều 6/5, hai tập thể, ba cá nhân của Công an tỉnh Nam Định được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; 10 cá nhân khác được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen. Đại tá Phạm Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường nắm bắt địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ bình yên cuộc sống người dân, báo Nhân Dân điện tử thông tin thêm.
Cự Giải(T/h)