Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa khẳng định, thông tin vỡ đập thủy điện Trung Sơn được lan truyền trên facebook là không đúng sự thật.
Sáng ngày 31/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa khẳng định không có chuyện vỡ đập thủy điện Trung Sơn như một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội Facebook khiến người dân vùng lũ và vùng hạ lưu hoang mang, lo lắng.
Theo thông tin ban đầu, tối ngày 30/8, các tài khoản Facebook có tên "Tùng Cơ Cực" và "Tóc Hải Nguyễn" đã tung lên mạng xã hội, gây hiểu nhầm cho nhiều người với các status như: "Có thông tin vỡ đập Thủy điện Trung Sơn rồi. Mọi người chia sẻ cho mình với. Để mọi người biết đường chạy, dân Co Lương chạy hết rồi"; "Vỡ đập Trung Sơn rồi, chính xác đó. Lo mà dọn đi ạ".
Tài khoản facebook Tóc Hải Nguyễn là một trong những đối tượng tung tin đồn vỡ đập thủy điện Trung Sơn. Ảnh: Kiến Thức |
Ngay sau khi thông tin được đăng tải, đã gây hoang mang cho rất nhiều người dân, ảnh hưởng xấu đến công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Lãnh đạo huyện Quan Hóa chính thức bác thông tin vỡ đập thủy điện sau khi tin đồn này lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Kiến Thức |
Trao đổi với Dân Trí, ông Phạm Bá Diệm - Bí thư Huyện ủy Quan Hóa cho biết, mưa lũ đã khiến hai cầu treo tại xã Trung Thành và Phú Xuân bị sập; hiện nhiều bản làng ở các xã Trung Sơn, Trung Thành, Thành Sơn, Phú Xuân… đang bị cô lập do nước lũ dâng cao.
Đến sáng 31/8, nước sông Mã dâng cao đã khiến quốc lộ 15A đoạn qua làng Kế, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước bị ngập sâu nhiều điểm, khiến giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Nước lũ ngập đường khiến 2 huyện Quan Hóa và Mường Lát bị cô lập hoàn toàn với các huyện miền xuôi.
Nước sông dâng cao gây ra ngập lụt tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Quan Hóa. Ảnh: Dân Trí. |
Còn theo thông báo của Công ty TNHH một thành viên thủy điện Trung Sơn, ngày 30/8, đơn vị này đang xả lũ xuống vùng hạ du nhằm đưa mực nước hồ đang lên nhanh về cao trình +150m. Đồng thời, đơn vị này cũng thông báo cho người dân hai bên bờ sông Mã của vùng hạ du phải đề phòng, đảm bảo an toàn cho người và tài sản cũng như thông báo cho các chủ đập ở hạ du như: Thủy điện Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1.
Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều người hiểu lầm và không kiểm chứng thông tin đã vội vàng chia sẻ lên mạng xã hội gây tâm lý hoang mang.
Được biết, Co Lương là địa danh của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nằm gần Thủy điện Trung Sơn.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá đang khẩn trương xác minh chủ nhân các tài khoản facebook tung tin đồn "vỡ đập thủy điện Trung Sơn" trên mạng xã hội Facebook để xử lý theo quy định.
Nguyễn Phượng (T/h)