+Aa-
    Zalo

    "Tham nhũng tâm linh" phản ánh tham nhũng thế tục đang nhức nhối

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiện nay, phong tục cúng sao, giải hạn đầu năm, lễ tạ cuối năm đang có nhiều biến tướng.

    (ĐSPL) - Hiện nay, phong tục cúng sao, giải hạn đầu năm, lễ tạ cuối năm đang có nhiều biến tướng. Thậm chí, nhiều phật tử quan niệm có thể "mua chuộc" thần thánh bằng những khóa lễ hàng trăm triệu đồng, hàng tỉ đồng. Phải chăng, những việc làm đó của phật tử cũng chính là biểu hiện của việc "tham nhũng tâm linh"?

    Xung quanh vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

    PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

    Ý nghĩa nhân văn đang bị mờ bởi đồng tiền

    Thường đầu tháng Giêng, lễ cúng dâng sao giải hạn mới được thực hiện. Hiện nay, tại nhiều đền, chùa đã có không ít người đến lễ tạ và đăng ký để "độc chiếm giờ vàng, địa điểm vàng" nhằm phục vụ cho nhu cầu cúng sao, giải hạn của bản thân. ông nghĩ sao về thực tế này?

    Theo tục lệ trong dân gian, lễ cúng dâng sao giải hạn (thường diễn ra vào thời điểm trước và sau Rằm tháng Giêng) với mục đích cầu xin "thần Sao" phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình đều được khoẻ mạnh, bình an, vạn sự tốt lành, may mắn, thành đạt và thịnh vượng. Với nhiều người, tục cúng sao là liệu pháp tâm linh khiến họ thoát khỏi sự ẩn ức nào đó; thể hiện ước vọng cầu được phúc lộc, làm ăn phát đạt, gia đình, an sinh tốt lành hơn. Tục cúng sao, giải hạn mang ý nghĩa nhân văn, tuy nhiên nó đang bị tinh thần thực dụng của kinh tế thị trường lấn át. Vài năm trở lại đây, việc cúng sao, giải hạn đầu năm đã vượt ra xa ngoài ý nghĩa vốn có của nó mà ngày càng có những biểu hiện phản văn hoá.

    Hiện nay, phong tục cúng sao, giải hạn, lễ tạ đang có nhiều biến tướng. Thậm chí, nhiều phật tử sẵn sàng chi cả tỉ đồng cho một khóa lễ. Phải chăng, càng "mâm cao, cỗ đầy" vận hạn càng dễ dàng được hóa giải, thưa ông?

    Điều đáng buồn, những năm gần đây, tục cúng sao giải hạn, lễ tạ đã bị biến tướng, mất dần đi ý nghĩa nhân văn. Càng người giàu có, quan chức, người buôn bán... lại càng "sính" cúng sao, giải hạn đầu năm, lễ tạ cuối năm. Với họ, càng làm lễ giải hạn "mâm cao cỗ đầy", chi càng nhiều tiền thì sẽ được thần thánh ban cho nhiều lộc hơn, giúp giải được vận hạn hơn. Tôi cũng từng nghe nói, có người chi cả trăm triệu đồng, cả tỉ đồng để làm lễ cúng sao, giải hạn. Thậm chí, có người còn dùng tiền để "độc chiếm giờ vàng, địa điểm vàng" tại nhiều ngôi chùa, ngôi đền nhằm phục vụ cho nhu cầu cúng sao, giải hạn của bản thân với mong muốn vơ vét phúc lộc về mình. Theo quan điểm của tôi, đây là một biểu hiện của sự suy đồi trong nhận thức đời sống tâm linh, nó phản chiếu đời sống thế tục đang khủng hoảng niềm tin...

    Việc nhiều người đổ xô đi cúng sao, giải hạn, lễ tạ, bỏ cả chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng vào việc này xuất phát từ việc một số lớn bộ phận người dân đang thiếu niềm tin, thiếu bản lĩnh làm chủ số phận của mình. Đặc biệt, niềm tin thế tục hiện nay bị suy yếu nên người ta càng tin vào niềm tin siêu nhiên. Họ hy vọng "đổ tiền của" vào để có thể làm thay đổi số phận của mình.

    Thậm chí, vì sợ bị trừng trị, bị trừng phạt vì có những người thực sự đã làm điều ác, làm những điều gian dối, cho nên "đổ tiền", làm hình nhân thế mạng để cúng sao. Bởi thế mới có chuyện, nhiều người làm lễ cúng sao giải hạn thực chất là muốn thần thánh ban cho mình nhiều lộc hơn và che chắn cho mình. Điều này, về mặt dư luận xã hội rất đáng phê phán. Bản thân những quan chức vụ lợi, người buôn gian bán lận... nhiều khi tìm đến thần thánh để được hóa giải tai ương, muốn tránh tội lỗi nhưng làm sao tránh được. Đó cũng chỉ là sự tự lừa dối bản thân. Xét về mặt văn hóa, đây cũng là biểu hiện tham nhũng tinh thần, tâm linh...

    Nếu có tiền tài cầu cúng là xong, kẻ tham nhũng càng tham nhũng

    Như ông vừa nói ở trên, xét về mặt văn hóa, biểu hiện trên thực chất là "tham nhũng tâm linh". ông có thể phân tích rõ hơn về nhận định này?

    Nhiều người đi cúng sao, giải hạn, lễ tạ chỉ chăm chăm nghĩ rằng, thần thánh sẽ che chở cho mình. Họ muốn giành quyền lực siêu nhiên về phía mình nhiều hơn chứ ít ai nghĩ rằng, muốn gặp điềm may, cuộc sống an lành thì người đó phải tu nhân tích đức, phải sống có đạo đức. Không phải cứ dùng tiền nhiều để làm lễ thì sẽ "cầu được, ước thấy".

    Tôi cũng muốn nói thêm rằng, hiện nay, chúng ta đang có sự hỗn độn về mặt tâm linh. Phật tử thì chỉ chăm chăm chi tiền "mua thần, bán thánh". Cũng có hiện tượng thầy chùa cũng đi làm thầy pháp. Một số nhỏ nhà chùa, nhà sư cũng muốn lợi dụng dâng sao giải hạn để kiếm thêm cho cá nhân hoặc cho lợi ích cục bộ của nhà chùa... Đó cũng là lý do vì sao tôi nhấn mạnh đời sống tôn giáo cũng nên tham gia vào công cuộc chống tham nhũng. Bởi nếu như có tiền là cầu, là cúng, thì những kẻ tham nhũng năm sau còn nảy sinh tâm lý tham nhũng nhiều hơn.

    Nói như vậy, hiện tượng "tham nhũng tâm linh" và "mặc cả với thần thánh" là có thưa ông?

    Đây là hiện tượng có thật trong đời sống tâm linh và nhiều nhà văn hóa cho rằng, đó là hiện tượng tham nhũng tâm linh, một lăng kính phản ánh hiện tượng tham nhũng trong thế tục đang là vấn đề nhức nhối. Vì thế, đời sống thế tục phải chống tham nhũng, đời sống tâm linh cần chỉ ra cho họ hiểu nếu làm như vậy, bản thân họ cũng là người tham nhũng, tiếp tay cho tham nhũng.

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-nhung-tam-linh-phan-anh-tham-nhung-the-tuc-dang-nhuc-nhoi-a78282.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan