(ĐSPL)- Liên quan đến việc quan chức nghỉ hưu “quên” trả lại nhà công vụ, ĐBQH Lê Như Tiến đề xuất nên bổ sung tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự để xử lý. Tuy nhiên, nhiều luật sư cho rằng điều này là không cần thiết.
ĐB Lê Như Tiến đề xuất: "Đã đến lúc đưa vào Bộ luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ". |
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp lại cho rằng: “Việc đề xuất bổ sung tội danh mới vào Bộ luật Hình sự - "Tội tham nhũng nhà Công vụ" là không cần thiết bởi pháp luật hiện hành đã có đầy đủ cơ sở để xử lý các trường hợp chiếm dụng nhà ở công vụ như trường hợp ĐBQH Lê Như Tiến nêu”.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: "Tội tham nhũng nhà công vụ" là không cần thiết bởi pháp luật hiện hành đã có đầy đủ cơ sở để xử lý". |
Cùng quan điểm trên, luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: “Đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành, tôi nhận thấy việc này là không cần thiết, bởi chúng ta đã có cơ sở để xử lý hình sự mà không cần bổ sung tội danh. Bởi, tại Điều 270 BLHS có quy định “Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” như sau: Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Đặc biệt, tại Điều 4 Thông tư Số 01/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 16/01/2014, quy định cụ thể về quản lý sử dụng nhà ở công vụ: Nhà ở công vụ phải được quản lý chặt chẽ trong quá trình quản lý sử dụng, không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng; việc cho thuê phải đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện theo quy định. Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ”
Như vậy, rõ ràng hành vi không trả lại nhà công vụ khi hết tiêu chuẩn (về hưu, miễn nhiệm) là hành vi vi phạm quy định về quản lý nhà ở, cần phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, trước khi xử lý hình sự chúng ta cần điều kiện “đủ” đó là xử phạt hành chính về việc không trả lại nhà, sau đó nếu cố tình không trả lại thì sẽ xử lý hình sự”.
Bên cạnh đó, một số trường hợp khác chẳng hạn như không ở mà đem cho thuê kiếm lời thì có thể xử lý với tội danh tại điều 142 BLHS quy định về Tội sử dụng trái phép tài sản. Theo đó, người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: Không cần bổ sung tội danh mới vẫn có thể xử lý hình sự "tham nhũng nhà công vụ". |
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cũng cho biết thêm: “Luật nhà ở 2005 (Điều 58, điều 61) đã quy định rất cụ thể về những đối tượng được sử dụng nhà ở công vụ, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng nhà ở công vụ. Bản chất "nhà công vụ" là nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và cho người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước "thuê" có thời hạn để sử dụng trong thời gian công tác. Người sử dụng nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.
Nhà ở công vụ cũng không phải là "cha chung không ai khóc". Pháp luật quy định rất rõ cơ quan quản lý nhà ở công vụ, chế tài xử lý với những người vi phạm trong quá trình sử dụng thuê nhà công vụ, vấn đề đặt ra là ý thức của người sử dụng nhà công vụ và trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý nhà công vụ sau khi hết thời hạn sử dụng.
Trước thực trạng về việc sử dụng nhà ở công vụ hiện nay mà đại biểu Lê Như Tiến trình bày là điều đáng buồn, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, tính gương mẫu của một số trường hợp cán bộ, công chức được giao sử dụng nhà công vụ chưa cao, chưa tốt... khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, không vì thế mà "bỏ tù" người ta.
Với pháp luật hiện hành thì đây là quan hệ dân sự, hành chính. Nếu người sử dụng nhà công vụ không trả lại nhà khi hết thời hạn sử dụng thì cơ quan quản lý có quyền xử lý vi phạm hành chính, có quyền cưỡng chế để thu hồi. Các cấp ủy đảng quản lý cán bộ, công chức đó có quyền phê bình, kỷ luật cán bộ, đáng viên đó... Thiết nghĩ, nếu thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật hiện có và đánh mạnh vào "ý thức" của những người chây ỳ là đủ đề đòi lại nhà công vụ cho Nhà nước rồi chứ không cần thiết phải hình sự hóa quan hệ này. Dẫu sao, các đối tượng được giao nhà công vụ cũng là người có chức vụ quyền hạn, họ có lòng tự trọng và ý thức, nhận thức cao hơn mức độ nhận thức thông thường của các công dân khác.
Luật sư Đặng Văn Cường: "Việc bổ sung thêm nội hàm của khái niệm "tham nhũng", cho hành vi không trả lại nhà ở công vụ là hành vi tham nhũng và xử lý hình sự về các tội phạm về tham nhũng là chưa thực sự hợp lý". |
Hơn nữa, theo định nghĩa tại khoản 2, Điều 1, Luật Phòng chống tham nhũng thì: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi”. Đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao với mục đích vụ lợi nghĩa là nhằm đem lại các lợi ích mà người có chức vụ quyền hạn mong muốn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Chủ thể của hành vi tham nhũng này là những người đang giữ chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, trong trường hợp nêu trên, hành vi của những người sử dụng nhà ở công vụ không trả lại Nhà nước là hành vi của những người đã từng là cán bộ công chức phục vụ tại các cơ quan nhà nước nay đã nghỉ hưu, vì vậy không thể nói họ lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phạm tội tham nhũng được.
Cơ quan quản lý nhà công vụ cần áp dụng nghiêm túc các quy định pháp luật hiện có kể trên để đòi lại nhà công vụ cho Nhà nước. Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp hành chính để đòi lại nhà cho Nhà nước mà người quản lý nhà công vụ cố tình không chấp hành, có mục đích rõ ràng là chiếm đoạt tài sản của Nhà nước thì khi đó có căn cứ để xử lý hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 BLHS. Đối với hành vi cho thuê lại nhà công vụ để thu tiền, hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 142 BLHS về tội sử dụng trái phép tài sản.
Theo phân tích của luật sư Cường, pháp luật nước ta, mặc dù quy định về việc trả lại nhà công vụ sau khi cán bộ công chức thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu nhưng xét về công sức đóng góp cũng như hoàn cảnh của các cán bộ công chức này mà Nhà nước ta còn quy định về việc: Trường hợp trả lại nhà ở công vụ mà người thuê nhà ở công vụ có khó khăn về nhà ở thì cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết cho họ được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội (khoản 3, Điều 61, Luật nhà ở 2005).
Vì vậy, không có lý do gì mà các cán bộ công chức sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác của mình lại không trả lại nhà công vụ cho Nhà nước. Pháp luật hiện hành cũng không thiếu chế tài để xử lý đối với các hành vi vi phạm này. Vì vậy, việc bổ sung thêm nội hàm của khái niệm "tham nhũng", cho hành vi không trả lại nhà ở công vụ là hành vi tham nhũng và xử lý hình sự về các tội phạm về tham nhũng là chưa thực sự hợp lý.
Video có thể bạn quan tâm:
Tham nhũng: Cán bộ về hưu cũng vẫn phải chịu kiểm điểm