Nơi đây còn lưu giữ những bút tích của Bác, lời chào mừng bà con Việt kiều ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên, ngày 10/1/1960.
Vốn nghe về khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Udon Thani từ lâu nhưng vào dịp cuối thu của nước Việt, tôi mới có cơ hội tới Udon và thăm khu di tích. Tại đây, tôi đã được sống trong tình cảm đằm thắm của người Việt trên đất Thái Lan, hướng về quê cha đất tổ, hướng về Bác Hồ. Và điều bất ngờ đầu tiên là câu chuyện về ngôi mộ 5 nhà cách mạng Việt Nam được bà con Việt kiều ở đây gìn giữ, hương khói quanh năm.
Tình cờ, tôi gặp gia đình ông bà Mai Khắc Hùng, tỉnh Nakhon Ratchasima (có thời Việt Nam gọi là Cò Rạt) cách Udon 300km. Ông đưa cả gia đình về Udon để thắp hương mộ ông cụ thân sinh nhân ngày giỗ, đồng thời thắp hương mộ 5 nhà cách mạng Việt Nam. Ông Hùng kể: Các cụ tham gia hoạt động chống Pháp từ đầu thế kỷ 20, rồi lần lượt qua đời ở Udon.
|
Gia đình ông Mai Khắc Hùng bên phần mộ 5 chiến sĩ cách mạng |
Ban đầu, phần mộ các cụ ở chỗ khác, sau được bà con người Việt quy tập về đặt tại chùa bản Chich, xã Mạc - kheng, huyện Mường, tỉnh Udon, sát bên sân bay Udon ngày nay. Trong ánh nắng vàng dịu sớm mai, chúng tôi chầm chậm bước thành kính đến bên ngôi mộ xây theo kiểu đài tưởng niệm liệt sĩ bên Việt Nam với ngôi sao vàng năm cánh trên đỉnh tháp, hai bên là đôi câu đối: “Tổ quốc ghi công người bất khuất/Kiều bào học tập đức trung kiên”.
5 nhà cách mạng được ghi trên bia đá, đầu tiên là cụ Đặng Thúc Hứa (tức Tú Ngọ), hoạt động từ phong trào Đông Du, kế đến là các cụ Cố Khôn, Võ Văn Kiều (Bun Dinh), Võ Văn Động (Lâm), ông Hải (Hải Đen).
Bà con Việt kiều ở Udon lưu truyền câu chuyện rằng, sau khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính Bác Hồ đã cử người về Udon chỉ chỗ chôn cất các cụ, để bà con ta hương khói. Thật hư câu chuyện ra sao thì không ai xác minh rõ nhưng có một sự thật là phần mộ 5 nhà chiến sĩ cách mạng trở thành một địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước của bà con Việt kiều ở Udon.
|
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, Thái Lan |
Ông Mai Khắc Hùng cũng là người có nhiều hoạt động tích cực trong việc gìn giữ, tôn tạo, phục dựng khu di tích Bác Hồ tại bản Noòng Ổn, xã Xiêng Phìn, huyện Mường. Trên đường dẫn chúng tôi thăm khu di tích, ông hồ hởi kể chuyện bà con ở đây góp công sức, tiền bạc để xây dựng khu di tích. Trong đó có ông Lê Quang Vinh, nhà thầu xây dựng, đứng ra nhận thi công, chẳng những đã ra giá thấp, lại còn ủng hộ 1 triệu bath (tiền Thái Lan, vào thời điểm đó 30 bath tương đương với 1USD) bù vào số tiền xây dựng còn thiếu.
Ông Vinh chẳng may mất sớm, nhưng cũng đã có nhiều dịp chứng kiến cảnh bà con Việt kiều trên đất Thái Lan hành hương về nơi thờ Bác Hồ, cũng như đông đảo du khách gần xa đến thăm khu di tích.
Anh Bùi Chí Thái, một doanh nhân thành đạt ở Udon, kể với tôi nước mắt vẫn rưng rưng: “Năm 1969, khi Bác Hồ mất, tôi mới 8 - 9 tuổi. Để tỏ lòng thành kính, nhớ Bác, tôi đã cạo trọc đầu trong một thời gian dài…”
Nằm trong khuôn viên rộng khoảng 1ha, khu di tích Bác Hồ chia làm hai phần. “Trại cưa” nơi Bác Hồ dừng chân và chọn làm nơi ở được phục dựng với ngôi nhà chính lợp lá 3 gian: Gian giữa là nơi hội họp, học tập; gian bên trái có kê một bộ bàn ghế gỗ là nơi Bác Hồ làm việc, ở trong góc là một chiếc giường ngủ nhỏ; gian bên phải là một sạp gỗ chạy suốt chiều dọc làm nơi nghỉ ngơi cho anh em. Trong khoảng sân rộng kế bên dưới bóng cây lần lượt là giếng nước, nhà kho, nhà bếp. Cả khu nhà cũng như vật dụng trong nhà được phục dựng gần giống với khu nhà Bác ở trước kia, theo trí nhớ của những Việt kiều cao tuổi.
|
Ngôi nhà lá nơi Bác Hồ sống và làm việc trong thời gian ở Udon (1928 - 1029) |
Khu nhà đa năng 2 tầng, với sân rộng trông thật bề thế, trang trọng nhưng không cầu kỳ mà vẫn tôn nghiêm. Ở tầng 1, gian chính đặt bàn thờ Bác Hồ với pho tượng đồng Bác Hồ theo phong cách truyền thống thường thấy ở các ngôi đình, chùa Việt Nam. Tiếp đó là các gian trưng bày giới thiệu khu di tích, những hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta (trong đó có bà con người Việt ở Thái Lan) dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Quý nhất là những bút tích của Bác, lời chào mừng bà con Việt kiều ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên, ngày 10/1/1960…
Ông Trần Trọng Tài, ủy viên Ban quản lý khu di tích giới thiệu với chúng tôi một tốp phụ nữ đã đứng tuổi hướng dẫn khách du lịch tới thăm khu di tích: “Các bà ở đây gắn bó với khu di tích từ thời còn trẻ, hễ cứ có khách tới thăm là các bà tổ chức đón tiếp, có ngày hàng chục đoàn khách, từ hoa tươi trên bàn thờ Bác tới cốc nước uống, một tay các bà lo đủ. Trò chuyện với các bà, được biết mấy năm nay họ được về thăm Việt Nam. Vui nhất là đại diện Việt kiều ở Thái Lan còn được ra thăm Trường Sa”.
|
Những phụ nữ Việt kiều ở Udon gắn bó với khu Di tích. |
Trong khuôn viên khu di tích, tôi gặp một đoàn doanh nhân và nhà báo từ thành phố Hồ Chí Minh sang. Chị Chutathip Chareonlarp, giám đốc trung tâm Thông tin du lịch Thái Lan, văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng đi với đoàn cho biết: “Trung tâm đang phối hợp với các bạn Việt Nam làm một bộ phim với chủ đề “Theo dấu chân Bác Hồ từ bến Nhà Rồng tới Udon”, để quảng bá rộng rãi về khu di tích này cũng như những địa danh có liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Thái Lan”.
|
Đoàn khách từ thành phố Hồ Chí Minh sang thăm khu di tích |
Lúc này, có tiếng hát cất lên từ khu vực nhà đa năng “người ơi người ở đừng về…” do các bà trong ban tiếp đón đang cất giọng ca tiễn một đoàn khách. Cả người đi và người ở đều quyến luyến chưa muốn rời xa.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-khu-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-tai-udon-thani-thai-lan-a68284.html