Các quan chức Thái Lan cảnh báo nước này có thể rơi vào nội chiến sau một làn sóng bạo lực chính trị, khiến 22 người thiệt mạng trong suốt 3 tháng qua.
Các vụ nổ súng và tấn công lựu đạn nhằm vào người biểu tình xảy ra gần như hàng ngày tại thủ đô Bangkok. Điều này làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng có thể tiếp tục và bước vào một giai đoạn mới, ẩn chứa nhiều nguy hiểm khi cả hai phía đều không chịu nhường bước.
|
Thái Lan trước nguy cơ sa vào nội chiến |
Hơn 700 người đã bị thương từ sau khi các cuộc biểu tình nổ ra nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và kết thúc thời kì thống trị chính trị của gia tộc tỷ phú.
Một bé gái 5 tuổi đã qua đời vào ngày hôm qua vì các vết thương gây ra bởi các tay súng trong một cuộc biểu tình tại miền Đông Thái Lan vào cuối tuần trước. Đây là đứa trẻ thứ 3 bị thiệt mạng trong các vụ tấn công nhằm vào người biểu tình.
Trước đó, một cậu bé 4 tuổi và người chị 6 tuổi đã thiệt mạng khi một quả lựu đạn phát nổ tại một địa điểm biểu tình trong một khu mua sắm cao cấp ở Bangkok.
Giám đốc Cơ quan Điều tra Đặc biệt (DSI), Tarit Pengdith cảnh báo tình hình có thể “leo thang thành nội chiến”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, ông Tarit kêu gọi “sự kiềm chế và kiên nhẫn” ở cả hai phe phái chính trị riêng rẽ.
Người đứng đầu lực lượng quân đội Thái Lan, tướng Prayut Chan-Ocha cũng có một câu trả lời tương tự đối với AFP.
“Tất nhiên, sẽ có nội chiến nếu các bên không tuân thủ luật”, ông Prayut nói, “Nhưng quân đội sẽ làm tất cả để bảo vệ đất nước và người dân…”.
Những người ủng hộ chính phủ cáo buộc phe đối lập đang âm mưu kích động quân đội tiến hành đảo chính giành chính quyền. Kể từ năm 1932, Thái Lan đã xảy 18 lần đảo chính thành công, trong đó giới quân sự chiếm giữ phần lớn “thành tích” này.
Nội bộ Thái Lan bắt đầu chia rẽ và bất ổn từ năm 2006, sau cuộc đảo chính không đổ máu của quân đội, lật đổ anh trai của Thủ tướng Yingluck, ông Thaksin Shinawatra.
Con số hơn 20 người chết khiến các vụ biểu tình gần đây được xem là đẫm máu nhất kể từ năm 2010. Khi đó, các vụ đụng độ giữa phe Áo đỏ ủng hộ ông Thaksin với các phe phái khác, cùng sự trấn áp tàn bạo của cảnh sát đã khiến gần 90 người thiệt mạng.
Nhiều người lo ngại, việc phe Áo đỏ quay trở lại Bangkok, ủng hộ chính phủ của bà Yingluck có thể làm căng thẳng thêm tình hình. Không loại trừ khả năng nhóm này có thể đụng độ với những người biểu tình chống chính phủ tại đây.
Phe Áo đỏ, phần lớn gồm những người dân đến từ các vùng nông thôn miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan – nơi được xem như những thành trì vững chắc của gia tộc Shinawatra.
“Chúng ta sẵn sàng đến Bangkok trong vòng 24h chỉ cho một mục đích…bảo vệ nền dân chủ”, thủ lĩnh phe Áo đỏ Nattawut Saikuar tuyên bố trong một buổi họp báo vào ngày hôm qua.
Trong khi đó, phe đối lập không ngừng chỉ trích và đưa ra các cáo buộc đối với Thủ tướng Yingluck. Ho cho rằng gia tộc Shinawatra đã nuôi dương bộ máy tham nhũng tràn làn và sử dụng tiền thuế của nhân dân để “mua chuộc” cử tri nông thôn.
Cho đến nay, mục tiêu của phe đối lập là thành lập một Hội đồng cải cách nhân dân không qua bầu cử vẫn chưa được thực hiện.
Trong khi cả chính phủ và phe đối lập đều đỗ lỗi cho nhau, bạo lực vẫn tiếp diễn hàng ngày, máu người dân vẫn đổ xuống mà chưa có dấu hiệu đến hồi kết thúc.
Theo Một Thế Giới
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thai-lan-truoc-nguy-co-sa-vao-noi-chien-a23173.html