Gần 40 năm sống trong nỗi tủi nhục, kỳ thị của bà con lối xóm khi mang tội danh Giết người, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là cái Tết ông Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám và Khổng Văn Đệ cảm thấy bình yên, ấm áp. Bởi họ được tận hưởng sự tự do, trong sạch của người được minh oan...
Đoạn trường oan sai xuyên thế kỷ - Những miền ký ức đã qua
PV báo ĐS&PL tìm về thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nay là tỉnh Vĩnh Phúc vào những ngày cuối năm, khi cái Tết bắt đầu gõ cửa từng nhà. Tới đầu làng, khi hỏi đến nhà ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi), Trần Trung Thám (77 tuổi), Khổng Văn Đệ (95 tuổi) thì ai cũng biết. Bởi đây là những người bị tình nghi gây ra cái chết cho Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng năm 1979 (âm lịch).
Trong căn nhà 5 gian đã cũ nằm trên lưng chừng đồi, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Trần Ngọc Chinh vẫn còn minh mẫn. Cụ ông 78 tuổi có nước da ngăm đen, khuôn mặt sầu não, đôi mắt đậm nét u buồn. Nói về án oan của cuộc đời, dường như cả một miền ký ức đau thương bỗng ùa về, hiện hữu rõ nét như cuốn phim quay chậm ngay trước mắt khiến giọng ông Chinh nghẹn lại, đôi mắt bỗng nhòe đi.
Quyết định đình cứu và được trả tự do vào ngày 10/10/1980 mà ông Trần Ngọc Chinh nhận được. (Ảnh: Hữu Thắng). |
Ông chậm rãi kể, sáng 28/12/1979 (âm lịch), trong lúc đi làm mộ cho nhà người quen về, ông nghe mọi người xôn xao bàn tán về việc có người thắt cổ trên đồi gần nhà. Sẵn bản tính tò mò, ông Chinh theo mọi người đến xem, nhưng do sợ nên ông chỉ đứng ở vòng ngoài mà không vào gần. Khi biết thông tin người tử vong là ông Chu Văn Quản, Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng thì ông Chinh ra về.
Đến sáng 17/1/1980 (âm lịch), khi ông Chinh đang trồng lạc ở đồng thì lãnh đạo xã cùng Công an tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) tới đọc lệnh bắt ông về tội Giết người, đồng thời đưa ông về nhà để thi hành lệnh khám xét.
“Lúc đấy, tôi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ông Chủ tịch xã đọc lệnh “Trần Ngọc Chinh cùng đồng bọn giết người”. Sau đó họ trói tôi bằng dây thừng rồi đưa về nhà để khám xét, trong nhà tôi lúc ấy cũng không có một thứ gì gọi là vũ khí giết người. Công an khám xét hồi lâu rồi lấy đi đôi giày Liên Xô cũ và cây bút máy kim tinh. Tôi bị dẫn giải lên đồn rồi bị đưa tới trại giam Phủ Đức (Phú Thọ) ngay trong chiều cùng ngày”, ông Chinh nhớ lại.
Khi đến trại giam, ông Chinh phát hiện ngoài ông, công an còn bắt thêm em ruột ông là Trần Trung Thám, ông Khổng Văn Đệ (trú cùng thôn) và ông Nguyễn Đình Ký với cùng cáo buộc về tội Giết người. “Trong lúc bị hỏi cung, tôi một mực khẳng định mình không giết người”, ông Chinh nói.
Những miền ký ức đau thương với ông Khổng Văn Đệ cũng vậy. Với cụ ông đã 95 tuổi này, buổi sáng 13/3/1980 là bước ngoặt đánh dấu chuỗi bi kịch của gia đình khi ông nhận tờ giấy do cán bộ xã đưa với nội dung mời đi dự họp ở UBND tỉnh Vĩnh Phú. Ông kể sau khi sửa soạn tư trang cá nhân, tiền mặt và một cuốn sách, ông vội vàng đạp xe đi. Vừa tới nơi, ông bị cán bộ công an tỉnh đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi giết người.
Qua nhiều năm, quá trình điều tra xác định chỉ một mình Nguyễn Đình Ký phạm tội giết ông Chu Văn Quản. Ngày 15/6/1983, Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tù chung thân.
Trong 3 người chịu hàm oan thì ông Thám (em trai ông Chinh) qua đời vào ngày 24/05/1980 tại bệnh viện thị xã Phú Thọ với lý do mắc bệnh kiết lị, chuyển tới viện điều trị nhưng không qua khỏi. Ông Thám được Công an tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu (đình chỉ điều tra bị can) vì không phạm tội Giết người. Còn ông Trần Ngọc Chinh, ông Khổng Văn Đệ cũng được thả tự do vào tháng 10/1982. Tuy nhiên, ngày được thả về, dân làng chỉ biết đấy là những “kẻ giết người được mãn hạn tù”. Bị ghẻ lạnh, quá tủi nhục, hàng chục năm qua, ông Chinh đồng hành cùng anh Trần Văn Mạnh (SN 1975, con trai ông Trần Trung Thám) và ông Đệ gõ cửa đủ mọi nơi mong được tìm lại công bằng cho mình. Rồi công lý cũng được thực thi, ngày 9/10/2019, VKSND Vĩnh Phúc phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc cùng các bên liên quan tổ chức buổi xin lỗi trực tiếp và đính chính công khai những người từng “gánh” án oan sai.
“Mùa Xuân đến muộn nhưng sẽ là hạnh phúc nhất trong 39 năm hàm oan”
Ông Khổng Văn Đệ tại buổi công khai xin lỗi. (Ảnh: Hữu Thắng). |
Sau những năm tháng giam giữ trong trại giam, ông Chinh giờ chỉ còn khoảng 39kg, mắt phải của ông bị hỏng hoàn toàn. Sau 833 ngày bị bắt, khi trở về nhà, sức khỏe của ông Đệ ngày một yếu, mất khả năng lao động vì phải chống chọi với bệnh tim.
Nhưng sau tất cả những biến cố, ngày công khai minh oan trước toàn bộ người dân tại xã Đồng Thịnh, ông Chinh, ông Đệ hay con trai của ông Thám đều cảm thấy vui và hạnh phúc. Hôm đấy, ông Đệ còn trở về nhà ở thôn Yên Bình, xã Đồng Thịnh tổ chức tiệc chiêu đãi người thân và hàng xóm. Ông bảo: “Được công nhận là một công dân bình thường, trong sạch, đó là ngày vui nhất của tôi trong suốt 39 năm qua”. Qua những chia sẻ, bản thân ông Chinh hay ông Đệ nhớ lại mỗi cái Tết trôi qua đều phải nghe những tiếng oán trách từ gia đình, vợ hay con cái. Dư luận gièm pha, họ cũng chẳng dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà cho qua mấy ngày Tết. Mỗi một mùa xuân trôi qua, các ông vẫn luôn động viên gia đình sẽ có ngày công lý được thực thi, chờ ngày được minh oan như quãng thời gian cực hình. Cứ thế, suốt 39 năm, từ Tết này sang Tết khác, tiếng oan giết người chẳng thể rửa sạch. Nhưng tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ông Chinh và ông Đệ đã có thể ngẩng cao đầu, đi thăm mọi người trong làng, nhận những lời chúc tốt đẹp của bà con lối xóm. Đó cũng là một cái kết mở cho cuốn phim cuộc đời của những người đàn ông này.
Là người thấu hiểu những nỗi đau mà các cụ ông Chinh hay ông Đệ đã trải qua, sau khi thắp nén hương cho bố, anh Trần Văn Mạnh ngậm ngùi chia sẻ: “Năm 19 tuổi, khi biết suy nghĩ, thấy bố chết oan, tôi đã đi khắp nơi để minh oan cho bố cùng các bác. Ngày bố được minh oan, được xin lỗi công khai trước bà con lối xóm, tôi đã khóc rất nhiều...”.
“Cũng chẳng biết diễn tả cảm xúc ra sao, bây giờ các cụ đã già yếu cả, nếu hỏi về tương lai hay dự định sắp tới, ít nhất con cháu cũng sẽ cho các cụ một cái Tết, một năm mới đúng nghĩa. Các cụ chịu thiệt thòi nhiều rồi, thôi thì năm nay gắng ăn Tết thật to dù chưa được bồi thường oan sai”, anh Mạnh cười, nụ cười chan chứa những nỗi niềm.
Gia đình ông Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám, Khổng Văn Đệ cho biết, việc công khai xin lỗi mới chỉ là bước đầu. Bởi theo quy định của pháp luật, công an tỉnh còn phải làm các thủ tục khác khôi phục quyền công dân cho ông. Đó là các thủ tục pháp lý cần thiết để các ông được minh oan về pháp lý và bồi thường các khoản theo quy định của pháp luật.
Chào tạm biệt ông Chinh, ông Đệ khi năm cũ sắp qua và năm mới cũng đang đến gần. Bây giờ các cụ ông đã có thể mỉm cười. Hành trình kêu oan suốt 39 năm qua đã dần khép lại cùng những đắng cay, tủi nhục xen lẫn xót xa. Giờ đây, các cụ đã có thể vui vẻ cùng gia đình chào đón một mùa xuân mới. Mùa xuân năm nay có thể đến muộn, nhưng sẽ là hạnh phúc nhất trong suốt 39 năm hàm oan. Hạnh phúc đơn giản lắm, đôi khi chỉ bắt nguồn từ sự trong sạch và lương thiện.
Thu Huyền
Bài đăng trên ấn phẩm báo in số 11+12+13+14+ Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)