Trung thu là tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam bởi nó mang cho mình nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy thú vị. Những có lẽ không phải ai trong chúng ta cũng biết rõ về sự tích huyền bí cũng như ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này.
1. Trung thu là ngày bao nhiêu?
Tết Trung thu hay còn gọi là "ngày Tết thiếu nhi" được tổ chức vào ngày Rằm tháng tám Âm lịch hằng năm (ngày 15/8 Âm lịch). Lúc này là chính thu, bầu trời trong xanh, tiết trời mát mẻ, không khí trong lành.
Năm 2021 này, Tết Trung thu sẽ rơi vào thứ Ba, ngày 21/ 9 Dương lịch. Vào ngày này, dưới ánh trăng sáng, gia đình quây quần bên nhau, cùng phá cỗ vui đùa. Bố mẹ tổ chức bày cỗ cho các bé, cùng làm đèn lồng, thắp sáng đèn ông sao rực rỡ.
2. Nguồn gốc Tết Trung thu
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Cũng có rất nhiều những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian về nguồn gốc ra đời của ngày Tết Trung thu như: Chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng vào Rằm tháng Tám, sự tích chị Hằng Nga, sự tích chú Cuội, sự tích Thỏ Ngọc…
Tại Trung Quốc, phong tục Tết Trung thu bắt nguồn từ sự tích về nàng Dương Quý phi, sủng phi của Đường Huyền Tông. Do nhan sắc quá khuynh thành nên triều thần sợ vua vì quá say đắm bà mà bỏ bê triều chính. Họ đã ép vua ban tử cho sủng phi của mình.
Sau khi bà mất, vua nhớ thương bà da diết. Cảm động trước tình cảm này, các nàng tiên đã quyết định cho vua gặp lại Dương Quý phi vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu. Về sau, vua chọn ngày Rằm tháng Tám để tưởng nhớ sủng phi của mình.
3. Ý nghĩa Tết Trung thu
Thời xưa người Việt còn thưởng tổ chức tục hát Trống Quân vào ngày Tết trung thu. Vào những đêm trăng rằm, trai gái cùng nhau hát điệu trống quân theo nhịp và đối đáp với nhau bằng những câu hát thắm tình. Người ta còn dùng những câu hát đối đáp với nhau trong đêm trung thu để tìm vợ, tìm chồng.
Ngày nay, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Tết Trung thu, mua và làm nhiều loại lồng đèn thắp bằng nến, treo trong nhà và hoặc tổ chức cho trẻ em rước đèn. Cỗ mừng Tết Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác.
Đây là dịp để các bậc cha mẹ, ông bà tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cháu. Đây cũng là dịp để tình yêu gia đình thêm khăng khít, gắn bó. Cũng trong dịp này, mọi người mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.
Vào đúng ngày Rằm tháng tám Âm lịch, người dân cả nước dù bận rộn đến đâu cũng cố gắng bày mâm ngũ quả, cúng tổ tiên và ngồi quây quần nói chuyện với nhau. Trước đây, ngày Tết Trung thu được coi là ngày lễ vui chơi của người lớn nhiều hơn để ngắm cảnh đẹp dưới ánh trăng, ăn bánh uống trà và nói chuyện cùng nhau. Giờ đây, dần dần Tết Trung thu đã mang ý nghĩa dành cho trẻ em nhiều hơn hay được coi như một ngày lễ tết của các em nhỏ.
Theo quan niêm xưa, ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai.
Linh Chi(T/h)