Khác với những nước Châu Á khác như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore… Nhật Bản từ lâu đã không đón Tết theo âm lịch. Hiện nay, người Nhật đón năm mới vào ngày 01/01 hằng năm theo lịch Dương. Ngày Tết ở Nhật được gọi là “Oshougatsu”. Dù người Nhật Bản ăn Tết âm hay dương thì những phong tục đón năm mới của người Nhật vẫn được giữ nguyên nét truyền thống Á Đông.
Là một công dân Việt Nam, anh Bùi Thanh Hải đến nay đã sang Nhật Bản học tập và làm việc đến nay đã hơn 10 năm. Mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi người dù đi đâu cũng muốn trở về đoàn tụ cùng gia đình. Song với tính chất công việc, vị trí địa lí xa xôi cách trở, không phải năm nào anh Hải cũng có điều kiện về Việt Nam đón Tết nguyên đán cùng gia đình.
Theo chia sẻ của anh Hải, vào đêm giao thừa (đêm 30 Tết âm lịch), anh Hải cũng chỉ tranh thủ gọi điện chúc Tết người thân trong gia đình rồi sáng hôm sau vẫn phải đi làm việc như bình thường. Trong ngày hôm đó, vừa làm việc, nam kỹ sư thi thoảng “check” camera ở quê nhà xem các bác, các cô chú đến chúc Tết đông đủ hay chưa. “Có lúc mọi người như biết mình đang xem nên vẫy tay với camera, bất giác sống mũi cay cay”, anh Hải nhớ lại.
Tết ở Việt Nam có “Bánh Chưng – Bánh dày” thì ở Nhật có mì trường thọ Toshikoshi Soba, bánh Mochi;… Nhưng nếu không đến Nhật, anh Hải chắc sẽ không có trải nghiệm gói và luộc bánh chưng bằng nồi cơm điện, ép giò thủ bằng vỏ chai cô ca 1.5 lít.
Anh Hải cho hay, mấy năm trở lại đây, đã có bánh chưng xanh, giò lụa, giò tai, gà… được bày bán nhiều trong các gian hàng bán đồ Việt. Tuy có “đắt đỏ” một chút nhưng với người Việt vẫn có thể dễ dàng sắm sửa cho mình một mâm cơm Tết truyền thống của Việt Nam ngay trên đất nước mặt trời mọc.
Anh Bùi Thanh Hải chia sẻ, Tết nước bạn cũng có rất nhiều hoạt động giống Việt Nam ví dụ như, đi chùa đêm giao thừa để cầu chúc bình an, may mắn; lì xì, chúc tết đầu năm, tụ tập ăn uống; nhưng có một vài điểm khác như mọi người ít hoặc gần như không đi chúc tết hàng xóm. “Ở Tokyo thì mình thậm chí còn chưa bao giờ gặp hàng xóm chứ chưa nói gì đến việc chúc Tết. Văn hoá của Nhật là tôn trọng đời sống cá nhân, nên nhiều khi họ bị gắn mác ‘lạnh lùng’. Nói vậy, nhưng ở một số nơi khác mọi người rất thân thiện, hàng xóm gặp nhau là sẽ chào hỏi. Tuy nhiên, Tết thì người Nhật cũng không qua nhà nhau chơi”, anh Hải cười hiền nói.
Đặc biệt, ở Nhật Bản, dịp Tết là ngày để mọi người dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Họ cùng nhau đi ngắm mặt trời mọc đầu tiên của năm, đi chùa rút quẻ, mua sắm, khu vui chơi, xem tivi các chương trình Tết.
Một điểm rất đặc biệt ở Nhật là mọi người sẽ dành thời gian viết thiếp chúc mừng năm mới. Anh Hải cho biết, thường thì thay cho việc đến tận nhà thăm và chúc Tết, người Nhật hay viết thiếp chúc Tết rồi gửi đi. Bưu điện Nhật có hẳn 1 dịch vụ chuyển phát thiếp năm mới. Để đúng sáng mùng 1 thì tất cả các thiệp sẽ đến hòm thư trước cửa nhà. Người gửi sẽ nhân tiện thông báo tình hình hiện tại qua hình ảnh in trên bưu thiếp. Ví dụ như nhà mới có thêm em bé, con gái mới lấy chồng, con trai mới vào lớp 1… Và đặc biệt nếu nhà nào có tang thì họ sẽ gửi thiếp trước để báo tang, rồi bảo mọi người không gửi thiếp cho họ đầu năm, vì người Nhật quan niệm là nhà có chuyện buồn nên không mong mọi người chúc mừng.
Mặc dù không về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, song chàng kỹ sư trẻ xin được nhắn gửi lời chúc từ phương xa gửi tới người thân cùng tất cả bạn bè Việt Nam đón một năm mới bình an, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn, thành công trong cuộc sống.
Tư Viễn