Tùy vào hoàn cảnh và môi trường cụ thể mà mỗi người hướng về Tết có những cảm xúc và tâm thế riêng nhưng tựu chung là những điều vui vẻ hướng thiện đúng như câu thành ngữ "Vui như Tết".
Tết là dịp xum họp, đoàn tụ các thành viên trong một gia đình, dòng tộc và lớn hơn là một cộng đồng để để tri ân hiếu kính tổ tiên, bề trên, các bậc sinh thành dạy dỗ, người có công; xuất hành và hái lộc; khai bút và xin chữ đầu xuân; lì xì mừng tuổi và chúc nhau những lời tốt đẹp, bỏ qua những điều xấu...
Dù là người già, trẻ, giàu, nghèo, nông thôn, thành thị cũng đều háo hức chờ đón sự mới mẻ, nhìn vào tương lai, mong muốn những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình. Những hoạt động ngày Tết như người lớn mừng tuổi trẻ nhỏ, đốt pháo, treo câu đối đỏ, xin chữ, thăm viếng người thân...đều xuất phát từ mong muốn tốt lành cho một năm mới.
Với nhiều người, Tết chính là thời khắc thiêng liêng trở về với những gì trong trẻo nhất trong tâm hồn, gạt bỏ hơn thua và lo lắng thường ngày cùng ngồi bên nhau ăn một bữa Tết niên để khép lại năm cũ bàn về năm mới.
Xin chữ và khai bút đầu xuân vẫn được duy trì như một nét đẹp văn hóa đầu xuân |
Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, Tết xuất xứ từ chữ hán đọc theo âm Hán Việt là Tiết, có nghĩa là đốt tre đốt trúc, mở rộng nghĩa là một phiến đoạn thời gian trong năm. Cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thời xa xưa chia thời gian thành hai phần chính: phần thời vụ và phần nông nhàn. Phần thời vụ thì “nông vụ chí kỳ” không còn thì giờ để xum họp, sắp đồ cúng lễ gia tiên, dãi đằng nhau, gặp gỡ nhau. Chính vì lẽ đó trong những lúc nông nhàn, người Việt đặt ra nhiều ngày Tết, phần lễ là phần cúng bái tổ tiên, gia tiên, thánh thần. Nói một cách khái quát, Tết chỉ những ngày lễ được phân bổ theo thời gian trong năm đan xen giữa các khoảng trống thời vụ.
Đây là dịp để người Việt hưởng thú thanh nhàn trong những lúc nông nhàn. Tết trong một năm quan trọng nhát là Tết nguyên đán. Nguyên đán là buổi sáng đầu tiên của một năm âm lịch. Người Việt mong mỏi những ngày đầu tiên ấy là những ngày đẹp trời, những ngày lòng người vui vẻ, thanh thản, cuộc sống no ấm hạnh phúc, trong ấm ngoài êm. Sau ba ngày Tết Nguyên đán là tới Tết khai hạ, nghĩa là Tết hạ cây nêu; khai hạ có nghĩa mở ra một ngày vui, một năm vui. Sau Tết khai hạ là Tết thượng nguyên, rằm tháng giêng.
Sau những ngày Tết đầu năm âm lịch kể trên, còn hàng loạt ngày Tết trong hệt hống Lễ Tết của người Việt như Tết hàn thực (mồng ba tháng ba), ăn đồ lạnh, bánh trôi bánh chay; Tết đoan ngọ vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch- mùa hè, Tết trung thu – rằm tháng tám âm lịch dành riêng cho trẻ con…
Theo PGS Nguyễn Văn Huy thì Tết là khoảng thời gian mà con người đồng cảm, chia sẻ với nhau. Hiếm khi chúng ta bắt gặp sự đồng cảm như vậy trong xã hội, từ gia đình, dòng họ, làng xóm đến cộng đồng rộng lớn hơn. Gần đây, việc đón giao thừa ở nơi công cộng cũng là cách mọi người nhân rộng sự chia sẻ, đồng cảm với nhau. Những người xa lạ, không quen biết nhưng vào thời khắc đón giao thừa cùng nhau họ gửi đến nhau lời chúc tốt đẹp, trong sự vui vẻ, phấn khởi. Sự đồng cảm ngày Tết là sự đồng cảm vĩnh cửu, ngày càng phát triển. Đây là một trong những giá trị cốt lõi của Tết khiến con người xích lại gần nhau hơn.
Tết ở Việt Nam thể hiện tình cảm cộng đồng dân tộc sâu sắc, nối kết giữa các thế hệ, nối kết giữa quá khứ và hiện tại, giàu ý nghĩa nhân văn và văn hóa Việt.
V.X.N