Liệu tình cảm mà Tây Lương nữ vương dành cho Đường Tăng chỉ đơn thuần là một kiếp nạn mà vị đệ tử nhà Phật bắt buộc phải trải qua?
“Tây Du Ký” không chỉ là một tác phẩm kinh điển mà nó còn là hồi ức đáng quý của nhiều thế hệ. Thuở thơ bé, người ta thích “Tây Du Ký” vì thế giới thần tiên muôn vàn phép thuật kì diệu, giới yêu ma muôn hình vạn trạng nhưng vô cùng thú vị.
Dần lớn lên, người ta lại càng khám phá ra rằng “Tây Du Ký”xứng đáng là huyền thoại vì những triết lý nhân sinh ẩn giấu mà Ngô Thừa Ân muốn gửi đến khán giả. Và có lẽ trong những kiếp nạn của Đường Tăng thì Nữ Nhi Quốc chính là kiếp nạn khó quên và mang ý nghĩa sâu sắc nhất.
Tây Lương nữ vương có tình cảm với Đường Tăng ngay từ cái nhìn đầu tiên. |
Trên đường đi thỉnh kinh, Đường Tăng đã phải đương đầu với rất nhiều yêu quái lợi hại muốn lấy mạng ngài nhưng trong số đó cũng không ít những nữ yêu lại đem lòng yêu say đắm vị đệ tử tài hoa nhà Phật như: Tỳ Bà Tinh, Hạnh Tiên, Bạch Thử Tinh…
Đối với những nữ yêu này Đường Tăng ngoài khiếp sợ ra thì với thân phận là đệ tử tâm đắc của Phật Tổ ngài quá rõ người và yêu có bao nhiêu khác biệt và không khó gì để thoát khỏi vô vàn quyến rũ của nữ yêu. Thế nhưng, trong cửa ải ở Tây Lương quốc với Tây Lương nữ vương thì lại khác.
Tây Lương quốc hay còn gọi Nữ Nhi Quốc là một trong số 81 kiếp nạn mà Đường Tăng phải đương đầu trên chặng đường đến Tây Thiên thỉnh kinh.
Nữ Nhi Quốc được miêu tả là đất nước có cư dân đều là nữ giới, đàn ông là giống sinh vật không tồn tại ở đây. Phụ nữ tự mình mang thai bằng cách uống nước sông mẫu tử, họ đời đời chỉ sinh con gái. Họ có cuộc sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, tự trồng trọt, săn bắn thậm chí họ có cả quân đội – những nữ chiến binh bảo vệ Tây Lương quốc.
Đặc biệt, ở đây đàn ông được xem như một loại độc dược sẽ gieo rắc căn bệnh vô phương cứu chữa có tên gọi “tình yêu” vì vậy người dân ở đây rất bài xích nam giới thậm chí họ được lệnh phải giết bất kì “sinh vật nam giới” nào để trừ hậu họa.
Tây Lương quốc được lãnh đạo bởi nữ hoàng với nhan sắc tuyệt thế, nghiêng nước nghiêng thành vậy mà vị nữ vương của một vương quốc bài trừ nam giới lại phải lòng Đường Tăng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Tây Lương nữ vương muốn nên duyên vợ chồng với Đường Tăng. |
Thậm chí Tây Lương nữ vương thích Đường Tăng đến nỗi muốn kết duyên vợ chồng với ngài ngay lập tức. Biết rõ vương quốc mang trên mình lời nguyền diệt vong khi có một vị hòa thương từ Đông Thổ Đại Đường đến nhưng nữ vương vẫn không không chế được cả lý trí và con tim mà rung động trước vị tăng nhân ấy.
Tình cảm mà nữ vương dành cho Đường Huyền Trang mãnh liệt đến nỗi bà không ngần ngại trao quyền lực tối cao cho ngài nhường lên làm vua còn bà sẽ trở thành hoàng hậu. Nữ vương còn đề nghị cho lộ phí để 3 huynh đệ Tôn Ngộ Không lên đường thỉnh kinh, khi quay về còn được trọng thưởng.
Và khác với những nữ yêu quái muốn lấy Đường Tăng vì những lợi ích đen tối như như trường sinh bất lão, hấp thụ dương khí để tu luyện… thì nữ vương Nữ Nhi Quốc đối với Đường Tăng hoàn toàn khác biệt với họ.
Thứ nhất, bà là con người bằng xương bằng thịt không phải yêu quái và cũng màng đến tu luyện hay phép thuật trường sinh bất lão, tiếp đó bà muốn lấy Đường Tăng không hề mang mục đích muốn trục lợi cho bản thân mà chỉ vì chữ “tình” – tinh yêu chân thành. Và tấm chân tình đó của nữ vương đã khiến cho thử thách ở Nữ Nhi Quốc còn khó hơn gấp nhiều lần những cám dỗ mà trước kia Đường Tăng gặp phải khi đương đầu với những nữ yêu.
Mặc dù ta đều biết kết quả cuối cùng là Đường Tăng với đức tin mãnh liệt một lòng hướng Phật, ngài không hề vì tình cảm nữ nhi mà phá giới đã cự tuyệt tình cảm của nữ vương nhưng lời nói lúc từ chối tình của Đường Tăng lại mang chút gì đó day dứt: “Giá như có kiếp sau”.
Giá như có kiếp sau cả Đường Tăng và nữ vương đều là người thường không mang trên vai chí lớn thiên hạ thì có lẽ hai người lại có một câu chuyện khác. Nhưng thực tế thì trong “Tây Du Ký” Đường Tăng đã cáo biệt Tây Lương nữ vương để tiếp tục cuộc hành trình của mình và các đồ đệ. Và cái quay đầu của Đường Tăng trong lúc từ biệt nữ vương lại mang nhiều ẩn ý bất ngờ mà khán giả có thể vô tình bỏ qua.
Cái nhìn cuối cùng của Đường Tăng dành cho Tây Lương nữ vương. |
Đầu tiên, Đường Tăng quay đầu lại nhìn Tây Lương nữ vương trước khi tiếp tục cuộc hành trình đi Tây Thiên là vì ngài muốn phần nào báo đáp tình cảm mà nữ vương dành cho mình. Vì muốn níu kéo Đường Tăng ở lại mà tình nguyện dâng cả vương quốc cho ngài, tình cảm này mặc dù Đường Tăng không thể chấp nhận nhưng vẫn bị cảm động. Do đó, khi rời đi ngài đã nhìn sâu vào mắt Tây Lương nữ vương như để ghi nhớ phần chân tình và đền đáp lại phần nào tấm chân tình ấy.
Tuy vậy, cũng đừng vì cái quay đầu mà vội kết luận Đường Tăng đã phạm phải tình cảm nam nữ - một trong những điều cấm kị đối với người tu hành. Đường Tam Tạng là một trong những tín đồ mà Như Lai tâm đắc nhất, ngài mang trong mình đủ những phẩm chất của một nhà tu với chí lớn muốn lấy được chân kinh để phổ độ giúp con người thoát khỏi bể khổ.
Và cái quay đầu của ngài cũng là một thể hiện một trong triết lý sâu sắc của nhà Phật đó là “bác ái”, tình cảm mà Đường Tăng có ở kiếp này không chỉ dừng lại ở một cá nhân nào mà là thứ tình cảm bao la, vĩ đại dành cho chúng sinh khắp thiên hạ và dĩ nhiên đối với Đường Tăng Tây Lương nữ vương chỉ đơn thuần là một trong số đó.
Như vậy, chỉ bằng cái quay đầu Đường Tăng đã hoàn toàn khiến những tín đồ nhà Phật yên tâm vì đức tin vẫn luôn vững chãi của mình.
Ngoài ra, nó cũng khẳng định Đường Tăng đã hoàn toàn vượt qua được kiếp nạn ở Nữ Nhi Quốc, ngài đã không bị những cám dỗ làm lu mờ chí lớn, không màng sắc dục công danh, giữ vững bản ngã để hoàn thành hành trình thỉnh kinh.
Còn đối với những người không theo Phật cũng vì cái quay đầu này mà thổn thức không thôi, có day dứt cho một cơ duyên đẹp song vượt lên trên tất cả là sự khâm phục trước tấm lòng sáng như gương khó có được trong thiên hạ của vị tăng nhân này.
Tiểu Phong/Theo Sina