Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) không thể dùng bài ca “rút kinh nghiệm” để lảng tránh trách nhiệm.
Báo cáo dày đặc 'rút kinh nghiệm'
Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đưa ra bài ca “rút kinh nghiệm” thay vì làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể sau khi để xảy ra thua lỗ lớn trong năm 2015 (nợ khoảng 100 nghìn tỷ).
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) gửi Bộ Tài chính về việc thực hiện kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, tập đoàn này biết đã thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện rà soát lại toàn bộ các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tái cơ cấu các khoản đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả.
Ảnh minh họa. |
Điểm đặc biệt, bản báo cáo thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính cụm từ “rút kinh nghiệm” được TKV dùng nhiều lần. Tập đoàn này không hề đưa ra trách nhiệm của cá nhân, tập thể sau khi để xảy ra thua lỗ lớn năm 2015.
Qua đó, TKV thực hiện rút kinh nghiệm trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt dự toán công trình chưa đúng dự toán (Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Khe Chàm, Công ty Than Mạo Khê).
Rút kinh nghiệm trong quá trình nghiệm thu quyết toán không đúng giá trị công trình (Công ty Than Quang Hanh, Than Khe Chàm, Tổng công ty Khoáng sản).
Rút kinh nghiệm trong quá trình trích khấu hao tài sản cố định chưa đúng quy định do xác định thời gian trích khấu hao không đúng (Tổng công ty Khoáng sản, Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc).
Rút kinh nghiệm trong công tác đối chiếu công nợ, nợ quá hạn.
Rút kinh nghiệm trong công tác hạch toán kế toán, rà soát và tính toán các khoản doanh thu, chi phí, lợi nhuận, các khoản thuế phải nộp (Tập đoàn, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả, Công ty Kho vận Đá Bạc, Tổng công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ, Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Công ty Cổ phần Địa chất mỏ, Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc)…
Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, TKV không thể dùng bài ca “rút kinh nghiệm” để lảng tránh trách nhiệm.
Chuyên gia Trí Hiếu phân tích: “Trong việc để xảy ra thua lỗ, trách nhiệm chính đương nhiên thuộc về Tập đoàn TKV, những công ty con làm ăn thua lỗ cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo cao cấp nhất của Tập đoàn vẫn là những người chịu trách nhiệm cuối cùng. Về vấn đề này, TKV phải có trách nhiệm giải trình trước chính phủ.”
Chuyên gia Trí Hiếu cho biết thêm, Chính phủ phải tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc của các khoản lỗ, từ đó phân bổ trách nhiệm ra từng đơn vị, từng cá nhân. Hơn ai hết, những ban lãnh đạo cao cấp nhất của tKV phải chịu trách nhiệm chính.
Ai 'chèo lái' TKV... đi về nơi nợ trăm nghìn tỷ?
Theo như lời của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, người đứng đầu TKV sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc Tập đoàn làm ăn thua lỗ trong năm 2015.
Giai đoạn này, ông Đặng Thanh Hải giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; ông Lê Minh Chuẩn Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn. Như vậy ông Hải và ông Chuẩn sẽ là những người chịu trách nhiệm chính khi Tập đoàn để xảy ra thua lỗ nhiều tỷ đồng.
Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo TKV tiếp thu, xây dựng báo cáo tổng thể, đầy đủ và hoàn chỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, dòng tiền, cơ chế quản lý tập đoàn và các công ty con, quản trị; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2016; đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân, thực trạng tình hình của TKV và những giải pháp cơ bản nhất về quan điểm, định hướng tái cơ cấu; kiến nghị, đề xuất.
Đặc biệt, Phó thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường giám sát hoạt động của TKV; nghiên cứu, xử lý kịp thời các kiến nghị của TKV.