Lợi nhuận doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có thể giảm tổng số 8,36 nghìn tỷ won nếu các công ty tiếp tục thua kiện về lương thưởng với người lao động tại tòa.
Trong quý gần nhất kết thúc vào cuối tháng Chín, hãng xe Kia Motors của Hàn Quốc chịu lỗ, doanh thu và lợi nhuận của hãng bị tác động tiêu cực bởi phán quyết của tòa án liên quan đến việc hãng nợ nhân viên tiền làm thêm giờ.
Ở thời điểm mà hàng chục công ty Hàn Quốc khác cũng đang vướng vào những vụ kiện tụng tương tự, nếu tòa án Hàn Quốc đưa ra thêm các quyết định có lợi cho người lao động sẽ khiến hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp này chịu tổn thất nặng nề. Ước tính lợi nhuận của ngành có thể giảm đến hơn 8 nghìn tỷ won tương đương 7,1 tỷ USD.
Trong ngày thứ Sáu, Kia công bố doanh thu quý ba năm nay ước sẽ khoảng 14,1 nghìn tỷ won, tuy nhiên hãng thu lỗ 427 tỷ won trong khi cùng kỳ năm trước lãi 525 tỷ won. Lần gần nhất hãng thua lỗ là từ năm 2007. Kia vẫn hy vọng công việc kinh doanh sẽ hồi phục trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Doanh số bán ô tô của Kia đã tăng chậm lại từ mùa xuân năm nay, doanh số bán xe tại thị trường Trung Quốc và Mỹ giảm sâu kéo theo tổng doanh số bán xe trên toàn cầu giảm 4% xuống chưa đầy 700 nghìn xe.
Trong tuyên bố mới nhất, tòa án phán quyết rằng mức thưởng của nhân viên Kia nên được tính toán như một phần trong mức lương cơ bản. Trước đó, nhân viên và nghiệp đoàn từng kiện Kia với lý do họ đã tính thưởng ra ngoài lương cơ bản. Và để tuân thủ theo phán quyết của tòa, Kia đã phải dành ra 977,7 tỷ won để trả thêm lương thưởng cũng như tiền phúc lợi khác cho nhân viên.
Nếu không phải vì khoản tiền trên, Kia hẳn đã lãi được 437,1 tỷ won. Và sau những diễn biến mới nhất, Kia đang phải tính tới giảm bớt giờ làm thêm cho nhân viên và những ca làm việc vào ngày nghỉ.
Thế nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc sản lượng xe sản xuất ra tại các nhà máy sẽ thấp hơn, thời gian khách hàng phải chờ để được giao xe cũng sẽ dài hơn. Vấn đề lương thưởng nhân viên sẽ không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà cả tính cạnh tranh của hãng so với các đối thủ khác trên thị trường.
Cùng lúc đó, nhiều hãng xe khác của Hàn Quốc ví như Hyundai cũng đang đối diện với những vấn đề tương tự. Người lao động tại cả hai hãng xe này năm nào cũng đình công đòi tăng lương, vấn đề năng suất lao động giảm vì vậy không thể tránh khỏi.
Và cũng trong năm nay, các hãng xe Hàn Quốc khó bán hàng tại Trung Quốc khi mà căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc tăng cao bởi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc.
Thông tin khác không mấy có lợi cho các hãng xe Hàn Quốc là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thương thảo lại về thỏa thuận thương mại tự do hai chiều giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Theo giới bình luận chính trị, đằng sau các phán quyết liên quan đến lương thưởng người lao động tại các hãng xe Hàn Quốc mà tòa án đưa ra gần đây, người ta nhìn thấy “bàn tay” của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In.
Việc Tổng thống Hàn Quốc ủng hộ việc tăng thuế doanh nghiệp và giảm sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân đang khiến sức cạnh tranh của nhiều công ty Hàn Quốc sụt giảm mạnh. Ngoài ra, quan điểm chính sách của ông có thể khiến một số doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
Ước tính củ Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc cho thấy hiện nay có khoảng 35 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đối đầu với các vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề lương thưởng.
Viện ước tính lợi nhuận doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có thể giảm tổng số 8,36 nghìn tỷ won nếu các công ty tiếp tục tại tòa. Những tên tuổi lớn chịu ảnh hưởng tiêu cực bao gồm Korean Airlines, Doosan Heavy Industries & Construction và ngân hàng Woori.
Giới quản lý doanh nghiệp Hàn Quốc tuyên bố rằng thưởng là những khoản biến động và có thể thay đổi dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đó người lao động kiên quyết giữ quan điểm rằng thưởng phải được tính trong mức lương cơ bản.