Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4\%. Thực tế, đại diện doanh nghiệp và NLĐ đều không thỏa mãn với mức này.
Sáng nay 3/9, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (TLQG) đã họp bàn và thống nhất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ tăng trung bình 12,4\%. Theo đó, vùng I tăng 400.000 đồng, vùng II là 350.000 đồng và vùng III là 300.000 đồng và vùng IV là 250.000 đồng.
Mức đề xuất điều chỉnh này sẽ đưa tiền lương tối thiểu vùng I từ 3,1 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng một tháng. Mức áp dụng tương ứng cho các vùng II, III và IV là 3,1 triệu đồng; 2,7 triệu đồng và 2,4 triệu đồng. Đây là phương án được Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất trình lên Chính phủ.
Trong hai phiên họp trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam không tìm được tiếng nói chung khi đề xuất tăng lương tối thiểu vùng chênh lệch nhau khá lớn. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng 16,8 \% và VCCI là 10\%.
Bình luận về mức tăng 12,4\%, sau phiên họp chốt sáng nay 3/9, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh Xã hội - Chủ tịch Hội đồng TLQG Phạm Minh Huân cho hay: “Trước đó, như đã nói, trong trường hợp các bên không thống nhất được thì chủ tịch Hội đồng TLQG sẽ đưa ra một mức trình Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, hôm nay tôi rất mừng vì đã không phải dùng đến cái “quyền” của mình.
Lúc đầu, phương án của hai bên rất cách xa nhau. Tuy nhiên, sau khi trao đổi, thảo luận, phân tích các bên dần gần nhau hơn. Cuối cùng, bộ phận kỹ thuật đã đưa ra một phương án nữa. Từ 3 phương án đó thì chúng tôi chọn phương án tăng 12,4\% để bỏ phiếu. Số phiếu đồng thuận với phương án này đạt 92,8\%. Đây là mức đồng thuận cao nhất trong 3 năm qua”.
Thu nhập thấp khiến công nhân phải sống trong những khu nhà trọ tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh (Ảnh: Người Lao Động) |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI nói: “Chúng tôi dù không thỏa mãn với con số này nhưng vẫn phải chấp nhận. Thực tế, mức tăng lương tối thiểu vùng như trên đã vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nhưng hội đồng đã quyết định, doanh nghiệp không còn cách nào khác là gồng mình lên để tái sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tiếp tục tồn tại”.
Theo ông Phòng, doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Với mức tăng này đòi hỏi doanh nghiệp cần phấn đấu hơn nữa để tăng cường khả năng hội nhập và đáp ứng được khả năng chi trả cho người lao động.
Vị này cho biết thêm, VCCI sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp để kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, có thể “chịu đựng” được áp lực trên. Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016, tiền lương sẽ là cơ sở để tính toán mức đóng bảo hiểm.
Ông Phòng nhấn mạnh: Nhu cầu tăng lương tối thiểu và khả năng của doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách tương đối lớn nên doanh nghiệp không còn cách nào khác là đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực quản trị…
“Chúng tôi đã từng nói, tăng 10\% là quá mức chịu đựng của các doanh nghiệp hiện tại. Khảo sát thực tế của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đa phần kiến nghị mức tăng lương tối thiểu là 5-6\% hoặc 9-10\%. Trên căn cứ đó, qua nghiên cứu thực tế và tính toán của bộ phận kỹ thuật chúng tôi đề xuất lên mức 10,7\%. Trong buổi họp hôm nay, mặc dù không thỏa mãn nhưng chúng tôi đã thảo luận, trao đổi với Hội đồng và đi đến kết quả là con số 12,4\%”, đại diện VCCI nói.
Ông Mai Đức Chính trong vòng vây của báo chí sáng 3/9 |
Bình luận về mức tăng 12,4\% sau cuộc họp, cũng như giới chủ sử dụng lao động, đại diện người lao động cũng tỏ ra không hài lòng, song chấp nhận kết quả. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, dù không thỏa mãn với mức tăng trên nhưng đây là con số có thể giải thích được với người lao động, để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Trước đó, trong phiên giải lao của buổi họp sáng nay, trao đổi với PV, ông Mai Đức Chính nhấn mạnh, tình hình kinh tế đã được cải thiện hơn thời điểm thương lượng mức tăng lương tối thiểu năm 2015 nên không lý gì là không tăng lương tối thiểu trong năm 2016. Tổng kết tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm nay đều thấy những kết quả rất tốt (GDP tăng, xuất khẩu tăng, số các doanh nghiệp hoạt động tăng…). Trong khi đó, đời sống của công nhân đang vô cùng khó khăn, rất cần có mức thu nhập cao hơn để cải thiện cuộc sống.
Theo Người đưa tin
Xem thêm video:
[mecloud]HSIVoKk5L7[/mecloud]