Với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4\%, doanh nghiệp sẽ làm gì để đảm bảo chi trả lương cho người lao động?
Phương án tăng lương tối thiểu vùng vừa được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt ở mức 12,4\%, sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 10 tới và được áp dụng kể từ ngày 1/1/2016. Với mức tăng này, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may sẽ phải đối mặt với khó khăn, bởi việc tăng lương tối thiểu làm phát sinh thêm các khoản phí khác.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân: "Doanh nghiệp cần tiết kiệm chi phí, dành nguồn trả lương cho người lao động" |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, việc tăng 12,4\% là một trong những áp lực của ngành dệt may Việt Nam.
Theo tính toán của ông Giang, nếu lương tối thiểu vùng tăng 12,4\% thì toàn ngành dệt may Việt Nam sẽ thêm các chi phí kèm theo như: công đoàn tăng 2\%; tăng chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…Tổng số tiền đóng góp tăng thêm khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, vì mục tiêu chung, cộng đồng các doanh nghiệp dệt may sẽ phải tìm ra giải pháp để giải quyết khó khăn như: tăng năng suất lao động và đào tạo nguồn lực để có khả năng đáp ứng tay nghề cho người lao động nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo giải quyết cơ bản nhất vấn đề áp lực về tăng chi phí. “Đấy là một áp lực cho chúng tôi và điều đó cũng là một vấn đề mà chúng tôi phải tính toán nhưng vì mục tiêu cho người lao động thì cộng đồng doanh nghiệp và xã hội cũng phải chia sẻ điều đó để tạo ra một mức sống cho người lao động và giải quyết căn bản nhất điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong thời gian tới”.
Ông Hà Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Ato, chuyên kinh doanh dịch vụ tin học cho biết, trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, có hai phương án để doanh nghiệp lựa chọn trước áp lực tăng lương, đó là tăng giá thành sản phẩm hoặc tăng năng suất lao động: “Bình thường, người lao động phải được trả mức 4-5 triệu đồng/tháng mức sống tối thiểu mới có thể sống được ở Hà Nội. Nếu doanh nghiệp không trả lương và chế độ không đủ thì người lao động sẽ bỏ đi. Do đó, để duy trì sản xuất kinh doanh thì chúng tôi đang tập trung kinh doanh cho thật tốt và chấp hành những chính sách mà Nhà nước đã quy định”.
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty cổ phần may Thúy Đạt (Nam Định) cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng 2016 sẽ tác động lớn tới thị trường vốn của hầu hết các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh khốc liệt của các nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần phải cải tiến các thiết bị, công nghệ hiện đại, để tăng năng suất lao động, làm ra sản phẩm, chuỗi sản phẩm có sức cạnh tranh: “Đương nhiên, đời sống của người Việt Nam càng ngày càng phải được nâng lên. Chúng tôi cũng đã có những chính sách và có những tính toán từ trước về những vấn đề này. Tôi cho rằng nếu như muốn làm được việc này thì bắt buộc các doanh nghiệp phải đổi mới”.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, doanh nghiệp cần tiếp tục tiết kiệm, tăng năng suất lao động để có nguồn chăm lo cho người lao động, bởi người lao động là nguồn lực lớn để doanh nghiệp phát triển: “Năm 2016, ngoài việc tăng lương tối thiểu thì các doanh nghiệp phải thực hiện đóng bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016. Cho nên các doanh nghiệp phải bố trí sản xuất kinh doanh một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí để dành nguồn điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động, đóng bảo hiểm cho người lao động”.
Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam dự kiến sẽ tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp gửi đến các cơ quan liên quan về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp từ năm 2016 trở đi.
Theo VOV
Xem thêm video:
[mecloud] XnJAZt0xjQ[/mecloud]