Học phí bậc đại học dự kiến tăng mạnh đối với các trường được tự chủ tài chính sẽ gây khó khăn cho nhiều sinh viên nghèo.
Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa trình Chính phủ Dự thảo về mức trần học phí mới của các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015- 2016 đến 2020-2021. Đặc biệt, trong Dự thảo có đề cập đến mức tăng học phí cho tất cả các trường đại học (ĐH) công lập và các trường được tự chủ tài chính.
Việc tăng học phí là nằm trong lộ trình đổi mới cơ chế hoạt động và giao dần việc tự chủ toàn diện đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi ngân sách Nhà nước.
Học phí tăng cao, sinh viên nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, Việt Nam còn là một nước nghèo, đời sống của người dân ở từng khu vực, vùng miền có sự khác biệt nên chắc chắn việc tăng học phí sẽ tác động không nhỏ đến xã hội, đặc biệt là đối tượng sinh viên nghèo, gia đình khó khăn.
Theo như Dự thảo, việc tăng học phí sẽ tăng dần và chia theo nhóm ngành nghề. Mức trần học phí mới trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà (không tự chủ tài chính) ở tất cả nhóm ngành nghề đều ở mức 10\% mỗi năm tính từ mức trần học phí năm học 2014-2015. Cụ thể, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015-2016 sẽ dao động 605.000-880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Với mỗi năm học kéo dài 10 tháng, mỗi sinh viên sẽ đóng 6-8,8 triệu đồng.
Đặc biệt, đáng chú ý là đối với các trường tự chủ tài chính, học phí đối với một số nhóm ngành nghề sẽ tăng mạnh như đối với nhóm ngành kinh tế, y dược. Theo đó, mức trần tối đa nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015-2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm. Như vậy, mức tăng học phí nhóm ngành kinh tế cao gấp 3 lần, nhóm ngành y dược tăng gấp 5 lần so với hiện nay.
Đúng là những nhóm ngành kinh tế, công nghệ, y dược, nông lập, thủy sản... là những ngành đặc thù đòi hỏi các trường ĐH phải trang bị đầy đủ các thiết bị, vật tư hiện đại cho sinh viên thực hành, thí nghiệm. Khấu hao của máy móc, trang thiết bị, phòng thí nghiệm sau mỗi giờ thực hành, thực tập của sinh viên là rất lớn nên để nâng cao chất lượng đào tạo thì việc tăng học phí là đương nhiên.
Thế nhưng, có sự bất cập là nếu một sinh viên đỗ vào một trường kinh tế, nếu tính cả tiền học phí (theo khung giá mới) và ăn, ở, sinh hoạt thì cũng phải mất từ 30-35 triệu đồng/sinh viên/năm thì chắc chắn sẽ có nhiều sinh viên nghèo không thể chi trả được trong suốt thời gian học hoặc không thể học được ĐH.
Từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang trải học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo. Cho đến nay, đã có hàng vạn học sinh, sinh viên nghèo trên khắp cả nước được vay vốn để trang trải học tập.
Tuy nhiên, chính sách cho vay hiện vẫn chỉ ở mức tối đa là 1,1 triệu đồng/sinh viên/tháng. Vì vậy, nhiều trường ĐH được tự chủ tài chính có đến 80\% sinh viên đến từ các miền quê, vùng khó khăn nên nếu mức tiền phải chi trả như trên, sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn rất khó có thể theo học được.
Có nhiều ý kiến đề xuất là Nhà nước nên có cơ chế, chính sách như tăng mức cho sinh viên nghèo vay vốn lên để trang trải tiền học phí ở một số trường ĐH có mức đóng cao. Khoản vay này sẽ do gia đình và sinh viên trả lại Nhà nước khi tốt nghiệp ĐH và đi làm.
Thế nhưng, ngân sách Nhà nước có hạn, còn nhiều lĩnh vực khác phải được quan tâm đầu tư nên không thể cho vay tràn lan và còn phải tính đến việc sinh viên và người nhà có khả năng trả nợ ngân hàng sau khi tốt nghiệp ĐH.
Trường vùng núi khó thu học phí cao
Mặc dù việc tăng học phí đối với hệ thống giáo dục ĐH mới chỉ là Dự thảo và sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội nhưng Bộ GD-ĐT cũng cần cân nhắc đến lộ trình tăng cũng như phạm vi thực hiện, tình hình hoạt động của từng trường cũng như mức sống ở các địa phương khác nhau.
Những trường ĐH nằm ở khu vực miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất và hầu như nguồn thu học phí không đủ bù đắp chi nên vẫn rất cần nguồn hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước để tồn tại và phát triển. Đặc biệt là việc hỗ trợ các trường duy trì, phát triển việc mở ngành đào tạo hay những ngành nghề mà các tỉnh miền núi đang thiếu cũng như giữ chân và thu hút giảng viên có trình độ cao giảng dạy ở những vùng còn khó khăn.
Nhiều trường ở vùng cao có từ 80-85\% sinh viên là dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Từ nhiều năm nay, những trường này vẫn nhận được hỗ trợ lớn từ ngân sách Nhà nước đối với việc giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên. Hàng năm, các trường vẫn dành một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, duy trì quỹ học bổng cho sinh viên.
Nếu bây giờ, giao cho các trường phải thu học phí theo mức giá mới thì chắc chắn họ chưa thể đứng vững được vì sẽ có nhiều gia đình sinh viên không thể đóng học phí theo như mức giá mới. Nhiều sinh viên có thể sẽ phải nghỉ học hoặc giảng viên sẽ phải nghỉ việc.
Cần nhanh chóng phân tầng, xếp hạng ĐH
Việc tăng học phí nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH công lập là điều tất yếu khi mà đất nước đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động đối với các trường ĐH công lập theo xu hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giảm chi ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, việc tăng học phí dù ở mức nào đi chăng nữa vẫn phải đảm bảo quyền lợi của sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Lộ trình tăng học phí vẫn phải được Chính phủ và các trường ĐH đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho sinh viên thuộc diện trên.
Để việc tăng học phí không ảnh hưởng lớn đến xã hội và người học, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng tiến hành phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Theo đó, sẽ có trường ĐH ở tốp đầu, tốp giữa hoặc ở mức trung bình. Mức thu học phí sẽ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đào tạo thực tế ở các trường như thế nào.
Như vậy, học sinh có thể biết được chất lượng, mức học phí của từng trường để chọn lựa nên đăng ký xét tuyển vào trường nào phù hợp với sức học, khả năng tài chính của gia đình.
Việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH cũng là hướng tới cơ cấu lại ngành nghề đào tạo phù hợp hơn cho xã hội. Theo đó, không nhất thiết tất cả học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học ĐH mà có thể chuyển sang học nghề phù hợp với năng lực của bản thân.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đang diễn ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Hàng năm, có hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm trong khi đó đất nước lại thiếu lao động lành nghề, có kỹ năng tốt. Vì vậy, việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH sẽ giúp cho xã hội biết được chất lượng giáo dục ở các trường đến đâu cũng như giảm tải được tình trạng học sinh cứ thích vào ĐH hơn là học nghề hay vào bất kỳ một trường ĐH nào cũng được.
Để quá trình phân tầng, xếp hạng các trường ĐH diễn ra một cách minh bạch, khách quan thì Bộ GD-ĐT nên để việc làm này thực hiện bởi các cơ quan ngoài ngành Giáo dục và có sự giám sát của xã hội.
Theo VOV
Xem thêm video:
[mecloud]TVwBC7Eu9V[/mecloud]