Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Giao thông vận tải với các bộ, ngành khác và với các địa phương.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng |
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT sáng 10/9 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện toàn ngành giao thông có 35 công trình, dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 724.939 tỉ đồng.
Đường bộ có 22 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 477.712 tỉ đồng, chiều dài khoảng trên 5.300 km, trong đó có 8 dự án đã đưa vào khai thác. Những dự án còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá-Cần Thơ đã đưa vào sử dụng 770/1.342 km; dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành toàn bộ 1.350/1.350 km giai đoạn 1 và hoàn thành 720/1.393 km giai đoạn 2.
Đường sắt có 7 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 186.298 tỉ đồng, chiều dài 344 km. Hàng hải, đường thuỷ nội địa có 4 dự án với tổng kinh phí khoảng 43.503 tỉ đồng. Hàng không có 2 dự án là Cảng hàng không Phú Quốc và dự án Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài với tổng kinh phí khoảng 17.427 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết các dự án trọng điểm nêu trên đang được Bộ chỉ đạo quyết liệt để kịp tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, tại một số dự án, công tác giải phóng mặt bằng còn đang chậm trễ, thời gian giải quyết vướng mắc còn kéo dài như dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ giai đoạn 2.
Một số dự án còn đang gặp khó khăn về vốn đối ứng như dự án dường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện (TP. Hải Phòng) khi vốn đối ứng năm 2015 mới được bố trí 150 tỉ đồng. Đến nay, đã giải ngân được 140 tỉ đồng và 10 tỉ đồng ứng vốn xây dựng khu tái định cư phía Cát Hải. Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2015, dự án cần khoảng 257 tỉ đồng vốn đối ứng.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông trong việc phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy nền kinh tế, nhất là với khu vực miền núi còn khó khăn.
“Đường sá phát triển, doanh nghiệp cũng về xây dựng nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn. Trước không có đường sá thì doanh nghiệp không về, bà con không tiêu thụ được hàng hoá. Các dự án BOT, BT phát triển cũng là một thành công khi thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, bởi xây dựng hạ tầng giao thông là mảng khó, nguồn thu về chậm và còn bị tác động trực tiếp bởi môi trường. Tuy vậy, ngành giao thông đã làm tốt trong thời gian qua”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa bộ, ngành với địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, nhà thầu.
“Chúng ta chỉ cần đưa ra chính sách phù hợp là tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho cả nước, tiết kiệm được nhiều tiền cho ngân sách. Có thể kể đến dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chậm tiến độ đến 9 năm, khi khởi động trở lại thì bảo đảm tiến độ là do Thủ tướng Chính phủ liên tục đôn đốc và cùng các bộ, ngành ngồi lại giải quyết vấn đề, ra văn bản để tháo gỡ kịp thời. Vì thế, việc phối hợp ngang giữa các bộ, ngành và với địa phương là cực kì quan trọng”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.
Cho ý kiến chỉ đạo về một số dự án cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu bổ sung dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia. Bộ GTVT chú ý triển khai dự án phải chính xác ngay từ ban đầu, tính từ báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi, bởi đây là dự án quy mô, kinh phí lớn và sử dụng hình thức đối tác công-tư (PPP).
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông, tập trung chấn chỉnh các chủ đầu tư, nhà thầu để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.
Theo Chinhphu.vn