(ĐS&PL) Ngày 9/8/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo Quốc tế “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn”. Tham dự Hội thảo trên, ngoài đại diện các Bộ, ban ngành, địa phương, các nhà khoa học đến từ các Cục, Vụ, Viện, Trường đại học trong nước còn có đại diện các tổ chức Quốc tế như FAO, ILO, DRGV, SOCODEVI, GIZ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhân dịp này, Báo Đời sống & Pháp luật xin giới thiệu bài viết được trình bày tại Hội thảo trên với nhan đề “Tăng cường năng lực lao động nông thôn phục vụ khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, Phần III:HộiKhoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tập trung vào đào tạo khởi nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầucủa GS.TSKH. Trần Duy Quý - TS. Đào Thế Anh - ThS. Vương Xuân Nguyên.
Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam |
Mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp
Mục tiêu của ngành nông nghiệp nước ta hướng tới là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; kinh tế nông thôn phát triển đa dạng, phồn thịnh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền, hình thành các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong 10 năm tới, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam là vào tốp 15 quốc gia phát triển nhất thế giới và nằm trong tốp 10 thế giới về chế biến nông lâm thủy sản. Giai đoạn 2020 - 2030, chuyển đổi khoảng 400 đến 500 nghìn héc-ta đất trồng lúa sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn, làm đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Áp dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào trong nông nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đó, hai nhiệm vụ quan trọng tiếp tục cần được triển khai thực hiện có hiệu quả là: Cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, đổi mới cơ chế, chính sách, trọng tâm là chính sách đất đai; tổ chức lại sản xuất, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ tiên tiến và công nghệ cao là các khâu đột phá, then chốt. Xây dựng chiến lược phát triển của các ngành và địa phương, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Chú trọng phát triển công nghệ bảo quản hiện đại, giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch; chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; các ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, tích cực bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP.
Mục tiêu của Nông thôn mới là cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát huy những tiềm năng, lợi thế và sức mạnh nội tại trong địa bàn dân cư, giải phóng năng lực lao động nông thôn phục vụ tốt nhất cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của cộng đồng |
Đặc biệt, chú trọng phát huy vai trò chủ thể của nông dân, tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ, bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, bao gồm cả đất trồng lúa. Rà soát điều chỉnh chính sách thuế theo hướng ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách cấp xã, huyện. Đồng thời, tăng đầu tư ngân sách cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân để có thể làm chủ và nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân.
Có thể khẳng định thế của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua ngày càng được cải thiện thông qua cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản thế giới. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong AEC, TPP, EVFTA, WTO...sẽ tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều phân khúc thị trường, dần dần giảm sự phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nông sản Trung Quốc. Thông qua các thị trường trung gian, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Điều đó, đã tạo ra những cơ hội mới từ hội nhập, nông nghiệp sẽ đón những dòng đầu tư mới, nhất là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ngành Nông nghiệp - những lĩnh vực hiện nay còn bỏ ngỏ do thiếu nguồn lực. Các tác động lan tỏa từ gia tăng đầu tư vào nông nghiệp sẽ thực sự quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, khi gánh nặng của ngành Nông nghiệp nội địa được san sẻ. Cùng với những đổi mới về cơ chế chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp đã tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia vào các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt là công tác đào tạo khởi nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Năng lực của PHANO
Nhiều năm qua, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO) phát huy tốt vai trò là cơ quan nơi tập hợp, kết nối, chia sẻ những kiến thức bổ ích, những mô hình tốt, cách làm hiệu quả của cộng đồng khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn có chung tư duy, hành động vì mục tiêu phát triển Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có và Nông thôn hiện đại văn minh.
PHANO và các tổ chức thành viên với mục tiêu "Kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị" thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn, phản biện và hỗ trợ chuyển giao khoa học, công nghệ trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
PHANO với tôn chỉ mục đích và Điều lệ Hội là ngôi nhà chung tập hợp những nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Từ những nguồn lực đó, PHANO có đủ điều kiện và năng lực để tham gia vào các đề tài, dự án nghiên cứu trong và ngoài nước về chính sách phát triển nông thôn mới, phát triển HTX, tổ chức vùng sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đối tác nghiệm thu đánh giá tốt, địa phương hoan nghênh áp dụng.
Để tăng cường khả năng liên kết trên mặt trận phát triển kinh tế nông thôn cũng như nâng cao khả năng nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, các mô hình sản xuất, trong thời gian vừa qua Hội đã xúc tiến hình thành một số trung tâm nghiên cứu và phát triển trực thuộc Hội theo hướng xã hội hoá và mở rộng hợp tác quốc tế, hội nhập thị trường KHCN quốc tế như: Viện Nghiên cứu phát triển NN công nghệ cao ĐBSCL, tại TP HCM; Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam. Hội cựu học viên Việt Nam tại Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (VietKoRAA) sẽ kết nối với khoảng 170.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và ngược lại, khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang sống tại Việt Nam. PHANO cũng xúc tiến thành lập Viện nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực nông thôn và hợp tác với Nhật Bản trong công tác đào tạo nhân lực.
Trong lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp các nhà khoa học của PHANO đã và đang đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và đạt nhiều thành công, đã phổ biến 6 giống lúa mới cấp Quốc gia: VS1, Sơn Lâm 1, QJ1, QJ4, BQ, QP-5, và hai giống siêu lúa NPT3, NPT5 cho bà con nông dân ở các vùng sản xuất lớn như ĐBSH, ĐBSCL, miền núi phía Bắc, phổ biến các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phân bón mới, đặc biệt là các loại phân vi sinh vật rút ngắn thời gian phân huỷ hữu cơ…
PHANO đã có nhiều kinh nghiệp trong tư vấn, hỗ trợ chuyển giao nhiều giống lúa lai năng suất chất lượng vượt trội được nhiều địa phương trong nước và bước đầu thành công trong xuất khẩu giống ra nước ngoài |
Đặc biệt 6 giống Quốc gia có chất lượng cao, được sản xuất đón nhận với diện tích hàng chục ngàn ha, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho bà con nông dân các tỉnh trồng lúa, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Japonica tại Việt Nam. Các cán bộ của Hội đã tích cực tham gia chuyển giao các giống và quy trình kĩ thuật cho 5 tỉnh thành trong dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng Nông thôn mới ở nước ta: Hà Nội, Hà Tĩnh, Hà Nam, Thái Bình và Bắc Giang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trồng lúa vì khép kín theo chuỗi giá trị, có doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm giống và lúa gạo thương phẩm cho nông dân nên mỗi ha trồng lúa thu nhập trung bình 75-80 triệu ha/năm
Viện Nghiên Cứu phát triển Nông nghiệp Công nghệ Cao ở ĐBSCL hiện tại đã tham gia chủ trì và thực hiện 4 dự án và tạo ra một số giống lúa có năng suất cao chịu chua phèn mặn phục vụ sản xuất lúa gạo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở ĐBSCL đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hai trung tâm khoa học chuyên ngành Sinh Vật Cảnh vừa mới được thành lập những hoạt động bước đầu đạt được nhiều thành tựu trong mục tiêu phát triển ngành Rau, Hoa, Qủa, Cây cảnh.
Trong lĩnh vực chính sách PTNT, xây dựng nông thôn mới, PHANO tham gia các hội thảo quốc tế về kinh nghiệm phát triển HTX Nông nghiệp xây dựng Nghị định về HTX của Chính phủ. Để góp phần xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo cho người dân, bảo vệ môi trường nông thôn, hội đã có những đóng góp tích cực khi tham gia Tư vấn hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển kinh tế hợp tác và Đề án nghiên cứu đẩy mạnh liên kết sản xuất kinh doanh trong Nông nghiệp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chính phủ. Hội đã tham gia và là thành viên chủ chốt cuả Liên minh Nông nghiệp là một liên minh các cơ quan nghiên cứu và phát triển về nông nghiệp nông thôn do OXFAM tài trợ như Viện nghiên cứu kinh tế chính sách (VERP) và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và một số nhà chính sách nông nghiệp hàng đầu ở Việt Nam.
PHANO luôn đồng hành với các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương trong chương trình xây dựng Nông thôn mới |
PHANO tích cực tham gia phản biện xã hội và góp ý cùng các cơ quan chức năng có liên quan trình Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành và thể chế nhiều văn bản chính sách về Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân. Trong thời gian qua đã tham gia xây dựng là Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/4/2018 quy định về chính sách phát triển các ngành nghề phát triển nông thôn và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
PHANO tham gia đào tạo nguồn nhân lực
Về nội dung đào tạo, tư vấn ở cấp Quốc gia thì mỗi giai đoạn cụ thể, PHANO sẽ tập trung đi sâu vào nhiệm vụ cụ thể như: tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn mới, chuỗi giá trị, ATTP, thương hiệu và OCOP,HTX…Nhưng nên có một đơn vị chủ trì để đào tạo cho ra đời được một thế hệ trẻ có đủ vốn kiến thức trong các lĩnh vực trên thì ở khu vực Nông thôn của nước ta trong 5-10 năm tới.Với Cục KTHT thì sẽ tập trung vào HTX và nòng cốt là các HTX trẻ; mục tiêu mỗi xã trong cả nước sẽ lựa chọn và đào tạo ra 1-2 thanh niên nòng cốt và nắm được các vấn đề trên; các khóa học 1-2 tuần/năm và liên tục sẽ giúp các bạn vừa học vừa làm hiệu quả.
Đối với các địa phương, PHANO đã và đang tham gia cung ứng dịch vụ đào tạo, tư vấn về phát triển chuỗi gía trị nông sản, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thương hiệu nông sản phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay các thành viên của PHANO cũng có thể tham gia đào tạo tăng cường năng lực cho cán bộ chương trình OCOP ở cấp địa phương về chuỗi giá trị, xây dựng tổ chức nông dân quản lý và phát triển sản phẩm OCOP. PHANO đã và đang cùng với Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) về liên kết nông dân nhỏ với thị trường, Cơ quan phát triển Lucxembua về năng lực xây dựng kế hoạch thị trường cho các chuỗi nông sản địa phương.
PHANO phối hợp tổ chức các hội thảo, liên kết đào tạo, trao đổi thông tin, giao lưu hợp tác Quốc tế với các quy mô khác nhau |
Trong thời gian tới, PHANO sẵn sàng liên kết hợp tác để cung cấp các dịch vụ đào tạo các kỹ năng mới, nâng cao khả năng chuyên nghiệp của các cán bộ nông thôn, phục vụ tái cơ cấu Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới như:
- Đào tạo và tư vấn cho lãnh đạo các tổ chức nông dân về tinh thần hợp tác chia sẻ trong phát triển nông nghiệp nông thôn hiện đại, thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ ở địa phương.Phát triển nông nghiệp nông thôn hội nhập thị trường không chỉ có cạnh tranh (trên thị trường) mà còn có hợp tác, tương trợ (cộng đồng, địa phương);
- Đào tạo, tư vấn cho các HTX/DN trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái tiếp cận với các công nghệ hiện đại của Việt nam và thế giới;
- Đào tạo về quản trị chuỗi giá trị nông sản, xây dựng kế hoạch thị trường cho các lãnh đạo HTX, DN, cung ứng các dịch vụ chuỗi giá trị;
- Đào tạo, tư vấn về năng lực quản trị HTX NN kiểu mới, tiếp cận thị trường cho lãnh đạo HTX;
- Đào tạo về xây dựng và quản trị thương hiệu cộng đồng (Chỉ dẫn địa lý…), về phát triển sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc và tư vấn tiếp cận thị trường trong và ngoài nước;
- Điều phối các mạng lưới tư vấn, chia sẻ thông tin như Nông dân hợp tác và kết nối, mạng lưới Chia sẻ kiến thức về Nông nghiệp sinh thái vùng Mê kông;
PHANO kiến tạo nhiều hoạt động góp phần phát triển nhóm ngành Hoa cây cảnh, rau củ quả |
Về các tiếp cận tăng cường năng lực mới cho lao động Nông nghiệp và phát triển nông thôn, PHANO đề xuất có 3 cách: Đào tạo tại chỗ Nông dân ở độ tuổi 18-35: Với các chuyên gia, tư vấn có kinh nghiệm, kết hợp bài giảng, tham quan và thực hành tại chỗ và có chương trình theo dõi hỗ trợ sau các khóa đào tạo; Đào tạo ngoài địa phương: Các Học viên sẽ được tập trung đào tạo dạng sơ cấp; đi học 3 tháng, chia làm các modul các nhau, và có thể cả đi nước ngoài để học tập; kể cả đào tọa sơ bộ về ngoại ngữ thương mại/giao tiếp, giới thiệu được sản phẩm, dịch vụ của địa phương mình…; Kết hợp cả 2 phương pháp trên.
Cách đây 60 năm về trước, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết Trồng cây. Trong đó đã đề cập về khái niệm Nông thôn mới, nông nghiệp tiên tiến với mục tiêu cuối cùng là làm cho “Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện”. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định mục tiêu xây dựng nền “Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn hiện đại, văn minh”. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cần sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có chung mục tiêu đó.
PHANO, một tổ chức xã hội nghề nghiệp luôn ý thức được với vai trò của mình là diễn đàn của cồng động nhà khoa hoc, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và những người gắn bó và yêu thích sự nghiệp nông nghiệp, phát triển nông thôn nên luôn coi trọng nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và lao động nông thôn là nhiệm vụ sống còn. Trong quá trình tham gia đào tạo nhân lực, PHANO luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo khởi nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn.
GS. TSKH. Trần Duy Quý - TS. Đào Thế Anh - ThS. Vương Xuân Nguyên