Các ngôi làng Diallassagou, Dianweli, Deguessagou và các vùng phụ cận xung quanh (thuộc khu vực Bankass) đều là mục tiêu của các tay súng. Thủ phạm được xác định là các tay súng thuộc nhóm Hồi giáo vũ trang Katiba Macina.
Một quan chức địa phương cho biết: “Các tay súng đã đốt cháy nhiều túp lều, nhà cửa và trộm gia súc. Số người thiệt mạng vẫn đang được thống kê và có thể còn cao hơn con số 132 mà chính phủ công bố”.
Chính phủ Mali đã lên án những vụ tấn công này, đồng thời cam kết tiến hành tất cả các bước cần thiết để đưa hung thủ ra trước vành móng ngựa.
Việc các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra thời gian qua ở Mali đã gây tâm lý hoang mang cho người dân và cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Ngày 11/6, một vụ tấn công khủng bố nhằm vào chốt kiểm soát Koutiala ở Đông Nam Mali, làm ít nhất tám người, gồm hai nhân viên hải quan và sáu dân thường, thiệt mạng.
Trước đó vài ngày, hai binh sĩ Ai Cập thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Mali (MINUSMA) thiệt mạng và hai người khác bị thương do vướng phải mìn khi đang hộ tống hàng chục phương tiện của Liên Hợp Quốc và một đoàn xe tải dân sự chở nhiên liệu ở thị trấn Douentza, miền Trung Mali.
Ngày 19/6, một nhân viên gìn giữ hòa bình của MINUSMA cũng đã thiệt mạng trong một vụ nổ mìn gần thành phố Kidal ở khu vực Đông Bắc quốc gia châu Phi này.
Người đứng đầu MINUSMA kiêm đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tại Mali - ông El-Ghassim Wane đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công và nhấn mạnh đây là một tin “khủng khiếp”, nối dài danh sách các nhân viên của Liên Hợp Quốc thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tại Mali.
Từ năm 2012, các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như xung đột bạo lực do dân quân tự vệ tự xưng và băng cướp thường xuyên diễn ra tại Malai.
Bất chấp sự hiện diện của các lực lượng Liên hợp quốc, Pháp và châu Phi, tình trạng bạo lực bắt đầu ở miền Bắc, sau đó lan đến miền Trung Mali và cả các nước láng giềng Burkina Faso và Niger, khiến hàng nghìn dân thường và quân nhân thiệt mạng cũng như hàng trăm nghìn người phải đi lánh nạn.
Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh ở khu vực Sahel. Theo IFRC, các vụ tấn công nhằm vào nhân viên các tổ chức nhân đạo quốc tế khiến họ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ các nhóm cư dân dễ bị tổn thương ở quốc gia Tây Phi.
Mộc Miên (Theo France24.com)