(ĐSPL) - Ít ai có thể hình dung rằng, những em nhỏ khiếm thị lại có thể vẽ được tranh. Hơn mười năm nay, một họa sỹ đã miệt mài lao động nghệ thuật để tìm ra phương pháp vẽ tranh cho các trẻ em bị thiệt thòi này. Ông là họa sỹ Thẩm Đức Tụ, người đã tìm ra cách vẽ đặc biệt cho học sinh mù trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Họa sỹ Thẩm Đức Tụ. |
Học sinh Việt Nam đầu tiên được giải vẽ quốc tế...
Chúng tôi gặp họa sỹ Thẩm Đức Tụ tại trung tâm nghệ thuật trong ngõ 20, phố Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là trung tâm nghệ thuật do con gái ông, chị Thẩm Cầm Phương sáng lập ra để dạy cho học sinh yêu mến nghệ thuật.
Ông Tụ tâm sự rằng, sau khi nghỉ hưu, ông cũng về đây để cùng con gái chắp cánh ước mơ nghệ thuật cho nhiều em nhỏ. ông chính là một trong những người chủ chốt sáng lập ra Cung Thiếu nhi Hà Nội, nơi ươm mầm không ít những tài năng nghệ thuật của Thủ đô và không chỉ thế, sau này, ông còn có 15 năm, 3 khóa là Chủ tịch hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội. Những tháng ngày sống trong không khí của nghệ thuật đã tạo cho ông niềm đam mê bất tận với hội họa.
Họa sỹ Thẩm Đức Tụ cho hay, ông bước vào hội họa một cách tình cờ. Năm 1955, khi ông đang học đệ thất (tương đương với lớp 5 bây giờ - PV) tại trường Trưng Vương, Hà Nội, chuẩn bị đến ngày 20/11, nhà trường yêu cầu học sinh vẽ báo tường dự thi. Ông Tụ đã vẽ một bức tranh mang tên Rước ảnh Bác Hồ, vì dịp đó là trung thu nên ông có tham gia rước đèn, rước ảnh Bác Hồ với các bạn cùng khu phố nên ông đã ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ ấy. Cô giáo phụ trách thấy tranh của ông đẹp nên gửi đi dự thi quốc tế và bất ngờ, bức tranh đã đoạt giải cao tại Nê – Ru. Ông chính là học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt giải quốc tế một cuộc thi vẽ và kết quả này đã thôi thúc ông đi theo con đường hội họa chuyên nghiệp.
Bức tranh Nguồn sáng vẽ các em khiếm thị của họa sỹ Thẩm Đức Tụ. |
Sau một thời gian học phổ thông, ông Tụ thi vào trường trung cấp Mỹ Thuật, sau này là đại học Mỹ Thuật Hà Nội. Năm 1972, ông về công tác tại Cung Thiếu nhi Hà Nội để dạy vẽ cho các em nhỏ.
Ông kể, cơ duyên của việc dạy trẻ khiếm thị vẽ là do một nữ nghệ sỹ chuyên về gốm, người Thụy Điển, tên là Elisabeth Person sang Việt Nam chơi và tới gặp ông. Bà Elisabeth bị mắc một chứng bệnh làm thị lực suy giảm dần với chứng bệnh “hoả biến”. Bác sỹ nói rằng, rồi sẽ dẫn tới việc bà bị mù hẳn. Sau khi biết mình mắc căn bệnh quái ác này, bà Elisabeth tìm nhiều cách để giúp đỡ từ thiện cho người mù. Khi đến Việt Nam, qua thông tin, bà biết ông Tụ là người có kinh nghiệm dạy hội họa cho thiếu nhi lâu năm nên đã đến gặp ông, đề nghị ông cùng tìm cách đem mỹ thuật đến cho trẻ em mù. Phương pháp dạy cho trẻ em mù vẽ được cải tiến và hoàn thiện từ đó.
Họa sỹ Thẩm Đức Tụ kể: “Chính tôi cũng không tin là có thể dạy trẻ khiếm thị vẽ. Khi đến trường Nguyễn Đình Chiểu, vào lớp của cô Nguyễn Hương Giang, tôi thấy trẻ khiếm thị học chung với trẻ sáng mắt vào giờ vẽ. Các giáo viên mỹ thuật của trường trước đó đã nghĩ ra cách thiết kế những bàn vẽ là lưới sắt mắt nhỏ, trẻ đặt tờ giấy vẽ lên, đường hình sẽ nổi gờ lên trên giấy nhờ lưới sắt đặt ở dưới. Trẻ sờ và cảm nhận được đường hình này. Nhưng trẻ cũng chỉ mới vẽ được những hình ngây ngô, chưa vẽ được màu. Tôi bèn đặt ra một phương pháp vẽ màu, gọi là “nối tay cho trẻ”.
Tôi đặt 24 màu xếp ba màu cùng tông (nóng, lạnh, trung gian) rồi để cho trẻ thuận tay tìm. Tôi dạy cho trẻ bằng cách kể chuyện cho chúng rằng, thế giới bên ngoài màu gì, trẻ nghe và tự tưởng tượng, rồi ra đề bài cho các em vẽ. Trẻ khiếm thị chia thành nhiều loại khiếm thị, có những trẻ bị mù hoàn toàn bẩm sinh, hoặc bị bệnh, có thể nhìn lờ mờ... Bù đắp lại vào những ký ức thị giác không có này, các em vẽ rất xúc động và kỳ khôi. Đặc biệt, tranh của các em khiếm thị vẽ gây cảm giác xúc giác (sờ được) rất mạnh nên tôi nhìn thấy nó rất “động”... Tôi còn dạy thêm các em cắt giấy thủ công, nặn đất nung, làm tranh in thạch cao...”.
Video tham khảo:
Dạy trẻ bằng cái tâm...
Tranh của trẻ khiếm thị lớp cô Nguyễn Hương Giang và họa sỹ Thẩm Đức Tụ đã được quảng bá triển lãm ở một số khách sạn lớn. Năm 2005, với nỗ lực vận động của bà Elisabeth, một nhóm học sinh khiếm thị của trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội cùng tác phẩm của các em đã được đưa sang giao lưu triển lãm ở Thụy Điển. Cuộc giao lưu triển lãm ở Thủ đô Stockholm còn có sự tham dự của Hoàng hậu Thụy Điển và nhiều trẻ em khiếm thị nước ngoài. Hầu hết, mọi người đều ngạc nhiên trước việc trẻ khiếm thị cũng có thể vẽ được những bức tranh đẹp. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy tận mắt những hình ảnh mà các em làm để hoàn thiện bức tranh, nhiều người Thuỵ Điển rất xúc động, có người đã khóc và thốt lên: “Thật kỳ diệu...”.
Họa sỹ Thẩm Đức Tụ cho biết, khi dạy cho trẻ khiếm thị vẽ thì nguyên tắc phải đảm bảo là các em phải biết vị trí của bảng màu. Khi vẽ chỉ được lấy một màu rồi bỏ luôn vào vị trí cũ nếu không sẽ bị nhầm. Đối với trẻ khiếm thị, quan trọng nhất không phải là tranh các em vẽ có đẹp không, mà là vấn đề tâm lý: Khi các em vẽ được tranh mà mọi người khen đẹp thì các em thấy rất vui, được thăng bằng về mặt tâm lý. Khi đưa các em đi Thụy Điển giao lưu, nhiều người mua tranh của các em khiếm thị Việt Nam và nói: “Chúng tôi trân trọng nghị lực của các em...”. Với những cảm xúc tự hào về các học trò của mình, sau khi từ Thụy Điển về, họa sỹ Tụ đã hoàn thành tác phẩm Nguồn sáng, vẽ về các em rất ý nghĩa.
Theo lời kể của họa sỹ Thẩm Đức Tụ, ngay sau khi phương pháp dạy vẽ cho trẻ em mù được hoàn thành, nhiều tổ chức đã mời ông đi hướng dẫn vẽ cho những trẻ em bị thiệt thòi ở nước ngoài. Gần đây nhất là theo lời mời của hội Khuyến học Việt Nam, ông đi dạy vẽ cho học sinh khiếm thị 12 tỉnh trong đó có Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng... Và, các em nhỏ khiếm thị đều vẽ được sau một vài lần thầy Tụ hướng dẫn.
Ông cho biết, cái khó nhất trong việc hướng dẫn trẻ em khiếm thị vẽ là cái... tâm và sự kiên trì. Muốn làm được điều đó, người họa sỹ phải là người yêu trẻ thì mới có lòng nhiệt tình. Bởi không chỉ hướng dẫn trẻ khiếm thị mà người họa sỹ còn cho các em sự động viên, hy vọng về tương lai của mình.
Họa sỹ Đức Tụ chia sẻ: “Tranh vẽ của các em khiếm thị vẽ thường rất siêu thực, vì các em vẽ theo cảm nhận của mình. Vô tình, những tác phẩm ấy lại trùng với xu hướng vẽ tranh trên thế giới nên người xem rất thích thú. Hội họa hiện nay có hai bình diện: Đó là vẽ cái mà người ta nhìn thấy và vẽ cái mà người ta cảm thấy... Xu hướng vẽ những điều cảm thấy ấy đang là trào lưu của nhiều họa sỹ nổi tiếng trên thế giới. Người khiếm thị có một linh giác đặc biệt. Các em có thể lắng nghe và cảm nhận rất tốt. Những hình ảnh các em nhìn bằng... tay, để có bức tranh đẹp đã cho tôi cảm xúc tự hào về các thế hệ học sinh của mình”.
Trẻ em khiếm thị vẽ bằng... trái tim Họa sỹ Thẩm Đức Tụ kể, trong một lần VTV mời ông cùng các em khiếm thị ở Hưng Yên đi quay phim tài liệu, đoàn làm phim của đạo diễn Nghiêm Nhan và ông đã đưa các em đến một ngôi chùa để quay cảnh học sinh vẽ. Khi đạo diễn yêu cầu một em gái khiếm thị vẽ một nhà sư, bé gái liền ngồi bên chú tiểu, lấy tay sờ mặt, mũi và khuôn mặt chú tiểu ấy và vẽ trước sự chứng kiến của cả đoàn làm phim. Những nét vẽ được hiện ra với sự ngạc nhiên của mọi người, vì em vẽ khá giống với nguyên mẫu, trong khi em chỉ vẽ bằng cảm nhận và sự tưởng tượng của mình. Các em khiếm thị có cách vẽ bằng trái tim và các em yêu cuộc đời cũng bằng trái tim. |