Vượt lên những khuyết tật của cơ thể, những thí sinh này vẫn cố gắng hết sức để tham dự kì thi đại học với ước mong được theo học ngành nghề mà mình yêu thích.
Những thí sinh tí hon
Sở hữu chiều cao 1,28m và khuôn mặt rất giống trẻ con, ngay trong buổi thi đầu tiên, Nguyễn Trung Hiếu (quê Hải Dương) đã bị các bạn sinh viên tình nguyện nhầm tưởng là em của một thí sinh dự thi và nhờ bảo vệ đưa ra khỏi trường. Thế nên, khi biết đây là một thí sinh dự thi vào trường ĐH Công nghệ TP HCM, nhiều người đã không khỏi bất ngờ.
Bản thân bị khuyết tật bẩm sinh, khiến cơ thể chỉ mãi như một đứa trẻ tầm 7, 8 tuổi, ngay từ những ngày đầu đi học, Hiếu đã rất mặc cảm với mọi người xung quanh và từng có ý định bỏ học. Thế nhưng, được sự động viên của gia đình, người thân, cộng thêm quyết tâm của bản thân, cậu lại cố gắng đến trường.
Nhìn chỉ như một đứa trẻ nên Nguyễn Trung Hiếu đã lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi bị các sinh viên tình nguyện tưởng nhầm là em của thí sinh. |
Được biết năm nay, Hiếu đăng ký vào ngành Công nghệ Thông tin của trường ĐH Công nghệ TP HCM. “Từ bé, em đã rất thần tượng anh Nguyễn Công Hùng (hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng – PV) và mong ước trở thành một người như anh ấy. Thế nên, ngoài việc học ở trường, em còn được ba mẹ mua cho bộ máy vi tính để có thể vừa học, vừa tìm hiểu thông tin”.
Trải qua 3 môn thi, Hiếu cho biết mình chỉ hoàn thành được khoảng 50 – 60\% đề bài. “Đề năm nay hơi khó, em cố gắng lắm nhưng kết quả cũng không được như mong muốn. Nếu may mắn thì chắc cũng đủ điểm đậu, nếu không đậu thì sang năm em lại đăng ký thi tiếp, đến khi nào hoàn thành được ước mơ của mình mới thôi”, Hiếu chia sẻ.
Một trường hợp tương tự là thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh Như (quê Long An), dự thi vào khoa Xã hội học - trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM. Bố của thí sinh này cho biết, từ khi sinh ra, bác sĩ đã xác định Như bị mắc bệnh lùn tuyến yên khiến tay chân phát triển không lành lặn và chỉ cao khoảng 1,2m. Quỳnh Như cho biết, đợt này, Như đăng ký thi vào ngành Xã hội học với mong muốn sau khi ra trường có thể làm được những việc có ích, hỗ trợ cho các bạn cùng cảnh ngộ với mình.
Thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh Như sau môn thi Hóa |
Niềm đam mê môn Vật lý của một học sinh khiếm thị
Tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm TP HCM (An Dương Vương, quận 5) cũng có một thí sinh khá đặc biệt. Dù khiếm thị và được đặc cách tuyển thẳng nhưng Nguyễn Lê Gia Hỷ, học sinh lớp 12A9 trường THPT Nguyễn An Ninh (quận Tân Bình) vẫn quyết tâm thi vào ngành Sư phạm Vật lý vì niềm đam mê với các môn tự nhiên. Để em có thể hoàn thành tốt kỳ thi của mình, Hội đồng thi trường ĐH Sư phạm đã bố trí thí sinh này thi ngay trong phòng hội đồng với một giám thị vừa coi thi, vừa hỗ trợ.
“Ở môn thi Toán, em được một thầy giám thị đọc đề để chép lại trên giấy thi chữ nổi (dành riêng cho người khiếm thị). Riêng 2 môn trắc nghiệm, các thầy ngồi bên cạnh và đọc từng câu hỏi để em lựa chọn đáp án cho bài làm. Toán và Lý thì em làm tốt hơn. Sáng nay, môn Hóa hơi khó nên em làm bài không tốt lắm”.
Ông Nguyễn Hữu Long (bố Hỷ - PV) chia sẻ về căn bệnh của con trai mình: “Lúc Hỷ được khoảng 5 tuổi, trong một lần chạy nhảy thì không may bị té cầu thang. Từ đó, mắt của em mờ dần và cuối cùng là không nhìn thấy gì nữa. Đi khám, bác sĩ cho biết võng mạc của Hỷ mỏng hơn người bình thường, nên khi gặp va đập mạnh mắt rất dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến thị lực”.
Cậu học trò đầy nghị lực Nguyễn Lê Gia Hỷ được bố đón về nhà sau kỳ thi ĐH |
Hỷ cho biết, mình chỉ còn khả năng phân biệt được sáng tối, hay những bóng mờ mờ nếu như có ai đó tới gần. Mặc dù vậy, khiếm khuyết cơ thể chưa bao giờ ảnh hưởng đến cuộc sống của cậu học trò đầy nghị lực này. “Lúc đi học, ban đầu em cũng gặp một chút khó khăn trong việc đi lại, vui chơi cùng các bạn hay nghe thầy cô giảng bài, đặc biệt là những bài có liên quan đến hình vẽ. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhà trường, thầy cô, mọi chuyện cũng dần ổn định”. Nhờ những cố gắng không ngừng, trong suốt 3 năm phổ thông, Hỷ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Mặc dù không nhìn thấy, nhưng cậu học trò đầy nghị lực này lại có một sở thích rất “độc” đó là “đọc” tiểu thuyết. Để làm được điều này, Hỷ đã phải nhờ tới phần mềm đọc sách chuyên dụng cho người khiếm thị. Trong các môn học phổ thông, cậu bạn đặc biệt mê môn Vật Lý, đây chính là lý do Hỷ quyết tâm thi vào ngành Sư phạm Vật lý năm nay.
“Khi biết em đăng ký dự thi ngành này, một số anh chị đi trước cũng đã khuyên bảo, cho rằng ngành học này không phù hợp lắm với điều kiện của em bởi đòi hỏi phải thực hành nhiều mà trong khi mắt em không nhìn thấy. Các thầy cô trong trường cũng tư vấn cho em nên chọn vào học ngành Sư phạm Đặc biệt hoặc Sư phạm Tâm lý của trường, thế nhưng em vẫn muốn thử xem khả năng của mình được tới đâu, nếu không đậu thì mới xem xét xin tuyển thẳng vào các ngành học khác", Hỷ tâm sự.
Huế: Đặc cách 6 thí sinh khiếm thị vào đại học Ngày 5/7, thông tin từ Đại học Huế cho biết, kỳ thi tuyển sinh năm nay, có 6 thí sinh khiếm thị được đặc cách vào các trường thuộc Đại học Huế. Trong 6 thí sinh được đặc cách có 2 thí sinh có nguyện vọng thi vào khoa Luật và 4 thí sinh có nguyện vọng thi vào trường Đại học Khoa học được chấp nhận. Ngoài ra, Đại học Huế cũng tuyển thẳng 23 trường hợp đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, năm nay, Đại học Huế cũng ưu tiên xét tuyển 11 trường hợp đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế nhưng có nguyện vọng vào những ngành học không có trong danh mục tuyển thẳng của Bộ GD-ĐT. Ngọc Trân |