Trong thời kỳ Tam Quốc, Tào Tháo là một nhà chính trị kiệt xuất, với tư tưởng trọng hiền tài bình thiên hạ, thế nhưng ông lại không muốn chiêu mộ Khổng Minh.
Tào Tháo là một nhà chính trị kiệt xuất với tư tưởng dùng hiền tài bình thiên hạ |
Trong thời kỳ Tam Quốc, Tào Tháo là một nhà chính trị kiệt xuất, với tư tưởng trọng hiền tài bình thiên hạ. Như trong trận chiến Quan Độ, mưu sĩ bên Viên Thiệu là Hứa Du vì không còn được Viên Thiệu tin tưởng mà quy phục Tào Tháo ngay trong đêm. Vì lúc đó trọng dụng Hứa Du mà Tào Tháo có thể đốt cháy kho lương Ô Sào của Viên Thiệu, đoán trước được đường đi lối bước của quân Viên và cuối cùng giành được chiến thắng.
Vấn đề chính là tại đây, Thủy Kính tiên sinh từng nói "Ngọa Long, Phượng Sồ có được một trong hai ắt sẽ thống nhất thiên hạ". Một người mến mộ hiền tài như Tào Tháo chắc chắn cũng biết được những thông tin này, vậy tại sao ông lại không cướp lấy Gia Cát Lượng trước khi Lượng được Lưu Bị mời xuống núi?
Đầu tiên là lúc Gia Cát Lượng còn chưa xuất sơn, địa phận Kinh Châu đều dưới sự kiểm soát của Lưu Biểu, còn Tào Tháo đang ở phía bắc tập trung vào cuộc chiến với Viên Thiệu. Vì thế cho dù lúc đó có hay tin xuất hiện một nhân tài như thế thì Tào Tháo cũng chưa chắc được Lưu Biểu cho phép tùy ý ra vào Kinh Châu để có thể tìm gặp Gia Cát Lượng và lúc đó Tào Tháo hoàn toàn không có thời gian để đến Kinh Châu.
Gia Cát Lượng là một quân sư thiên tài nhưng Tào Tháo không nhất thiết phải có bằng được |
Ngoài ra, dù cho Tào Tháo rất mến mộ nhân tài nhưng lại thích các nhân tài chủ động tìm đến, vì thế để Tào Tháo "tam cố thảo lư" giống như Lưu Bị đi mời một nhân tài có danh nhưng chưa có thành tựu là điều chắc chắn không thể.
Tiếp theo là do tính cách của Tào Tháo. Một là Tào Tháo quá đa nghi, vì thế một Gia Cát Lượng bí ẩn chưa từng xuất sơn chưa chắc đã chiếm được lòng tin của Tào Tháo. Hai là Tào Tháo có danh ngôn để đời "thà phụ người thiên hạ chứ không để người thiên hạ phụ ta". Năm đó sau khi Hứa Du giúp Tào Tháo giành được chiến thắng tại Quan Độ, chính vì Hứa Du tự mãn ngạo mạn, xem thường Tào Tháo nên mới bị chém chết.
Mặc dù lúc đó là do Hứa Chử vì tức giận mà tự ý chém Hứa Du, nhưng chính Tuân Úc sau đã nói với Hứa Chử rằng:"Tướng quân đã làm giúp thừa tướng một việc mà thừa tướng không dám làm". Làm mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo nguy hiểm như vậy, cho dù thực lực Tào Tháo có mạnh đến đâu cũng chắc chắn Gia Cát Lượng không muốn đi theo phò tá.
Bên cạnh Tào Tháo có đến năm mưu sĩ kiệt xuất gồm Tuân Úc, Trình Dục, Quách Gia, Tuân Du, Cổ Hử |
Lý do cuối cùng là mưu sĩ phó tá Tào Tháo lúc đó quả thực không ít, họ đều là nhân sĩ có trí tuệ không hề thua kém Gia Cát Lượng. Có thể kể ra 5 vị mưu sĩ phò tá Tào Tháo lúc đó gồm Quách Gia, Tuân Úc, Trình Dục, Tuân Du, Cổ Hử. Những người đều góp rất nhiều công sức trong công cuộc thống nhất phương bắc của Tào Tháo.
Mặc dù chắc chắn Tào Tháo rất muốn có được Gia Cát Lượng nhưng ông không nhất thiết phải đích thân đi mời, bởi vì những thành tựu đạt được lúc đó khiến Tào Tháo tin rằng những vị mưu sĩ bên cạnh vẫn quá đủ để giúp ông hoàn thành đại nghiệp.
Chính vì như vậy mà Tào Tháo không cần cướp Gia Cát Lượng khỏi tay Lưu Bị. Lực lượng của Tào Tháo lúc đó rất lớn mạnh, xung quanh cũng còn rất nhiều quân sư trí lược tài năng đủ sức giúp ông dành lấy thiên hạ, một Gia Cát Lượng lúc đó không khiến Tào Tháo phải lo sợ bận tâm.
Điều này cũng được nhiều người dự đoán từ trước. Trong lúc cầu kiến Gia Cát Lượng, chính Lưu Bị đã được Thôi Châu Bính ngầm dự đoán về thất bại của Khổng Minh. Đến lúc Gia Cát Lượng cùng Lưu Bị xuống núi, Thủy Kính tiên sinh cũng đã nói rằng:"Ngọa Long gặp đúng chủ chỉ tiếc không gặp thời".
Hoa Anh Thịnh (Theo Sohu)