Tào Tháo và Lưu Bị đều là những nhân vật kiệt xuất và thống trị một vùng lãnh thổ rộng lớn thời Tam Quốc.
Vào những năm cuối Đông Hán, thiên hạ chia ba. Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền mỗi người đều thống trị một vùng giang sơn rộng lớn. Trong khi, Tôn Quyền được kế thừa đại nghiệp từ tổ tông thì Tào Tháo và Lưu Bị phải trải qua hàng trăm trận chiến khổ cực mới ngồi lên được chiếc ghế của mình.
Lưu Bị vốn mang trong mình dòng máu hoàng thất, dòng dõi Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng. Về lý thì Lưu Bị có xuất phát điểm khá cao nhưng thực tế trước khi theo nghiệp binh đao, ông phải đi bán giày vải kiếm sống qua ngày.
Nguyên nhân là do từ thời Hán Vũ Đế ban hành "Thôi ân lệnh" nên đất phong của các quận vương ngày càng bị phân chia. Đến đời Lưu Bị, những người chi thứ của hoàng tộc ngày càng được hưởng ít tước lộc, con cháu hoàng thất chỉ còn là danh nghĩa.
Lưu bị là người thích kết giao với hào kiệt, sau này gặp gỡ và kết bái huynh đệ với Quan Vũ và Trương Phi, ba người tình như thủ túc, ôm mộng chí lớn. Tuy nhiên, tiềm lực của họ chỉ là con số 0, quanh quẩn chỉ có 3 người.
Đến khi chính quyền Đông Hán ngày một suy yếu, an ninh khắp nơi bắt đầu hỗn loạn, Lưu Bị đã tập hợp thanh niên trong xóm đứng ra bảo vệ trật tự. Sau Lưu Bị được mấy người phú thương làm nghề buôn ngựa ở nước Trung Sơn là Trương Thế Bình và Tô Song trợ giúp, vì thế Lưu Bị có thể duy trì trong tay một đội quân nhỏ trong vùng.
Lịch sử sau nãy cũng đã rõ, Lưu Bị bắt đầu tham gia dẹp loạn Khăn Vàng, liên minh phạt Đổng, trải qua hàng trăm trận đánh và gây dựng lên nhà Thục Hán.
Không ít thế lực hoàng thất ly khai có thực lực mạnh hơn Lưu Bị rất nhiều nhưng Lưu Bị mới là người cuối cùng sống sót và giành được 1/3 thiên hạ. Đây cũng là minh chứng cho thấy bản chất của một hiêu hùng thời loạn thế.
Trái với Lưu Bị, Tào Tháo tuy không mang dòng máu Hán thất nhưng cũng thuộc dòng dõi công thần, được sinh ra trong gia đình giàu có, tiềm lực không nhỏ.
Ngoài ra, Tào Tháo lúc khởi nghiệp cũng có điều kiện tốt hơn Lưu Bị rất nhiều. Tào Hồng, Tào Nhân và Hạ Hầu Đôn không chỉ dẫn quân mà còn đem theo toàn bộ gia tài đến gia nhập với Tào Tháo.
Luận về chiến tích, Tào Tháo cả đời đánh trận đều đích thân điều binh khiển tướng, thắng nhiều thua ít. Tào Tháo dẹp Khăn Vàng, thảo phạt Đào Khiêm, diệt Lữ Bố, đánh bại Viên Thiêu,... thống nhất toàn bộ phương Bắc.
Lưu Bị dù được coi là nhân vật lợi hại nhưng có thể nói là kém hơn Tào Tháo rất nhiều về mọi mặt. Lưu Bị những lần đích thân cầm quân đều bại nhiều thắng ít, phần lớn thời gian là lưu lạc, sống nhờ khắp nơi.
Chính Lưu Bị cũng từng phải ở nhờ chỗ Tào Tháo, cũng từng bị Tào Tháo đánh đuổi tan tác.
Có người nói Lưu Bị hữu danh vô thực, điều này cũng không phải là sai, bởi thành công sau này của Lưu Bị mang đậm dấu ấn của Gia Cát Lượng.
Khi nhà Thục Hán vừa đạt tới đỉnh cao thì Lưu Bị đã sinh kiêu ngạo, tự mình dẫn quân đánh Ngô bất chấp lời khuyên của quần thần, để rồi thất bại tan tác trong ngọn lửa Di Lăng.
Tổng quan lại, Tào Tháo dựa vào chút điều kiện thuận lợi ban đầu, tự mình giành được một phần lãnh thổ rộng lớn. Còn Lưu Bị đi lên từ khó khăn nhưng khả năng đánh trận không giỏi, chỉ thành công khi có người khác giúp đỡ, cuối cùng thất bại trong sự cố chấp của chính mình.
Do đó, có thể nói Tào Tháo dù chịu nhiều chỉ trích nhưng mới đích thực là hiêu hùng thời loạn thế.
Hoa Vũ (Theo Sohu)