Từ năm 12 tuổi, Gia Cát Lượng đã vô cùng căm ghét Tào Tháo. Nguyên nhân sâu xa khiến Gia Cát Lượng có thái độ này với Tào Tháo bắt nguồn vì gia đình chịu cảnh sinh ly tử biệt, không có ngày tương ngộ.
"Chưa rời lều tranh đã rõ chuyện thiên hạ, phẩy quạt một cái định thiên hạ làm ba", đó là những lời ca tụng dành cho trí tuệ tuyệt đỉnh của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.
Sau khi Lưu Bị "Tam cố thảo lư", Gia Cát Lượng từ đó trở thành quân sư, chỉ huy quân sự, nhà chính trị, khai quốc công thần của nhà Thục Hán.
Thế nhưng vào thời Tam Quốc, mưu cầu hiền tài không phải chỉ mình Lưu Bị. Trước đó từ rất sớm, Tào Tháo đã 3 lần phát lệnh chiêu mộ hiền tài khắp thiên hạ, trong đó không ít bậc kỳ tài đều cống hiến và tận trung với Tào Ngụy. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng ngồi yên ở lều tranh mà không chút dao động.
Thời điểm đó Tào Tháo đã thống nhất được toàn bộ phương Bắc, có thể nói là ngồi vững trên một nửa giang sơn, nếu được Gia Cát Lượng giúp đỡ thì Kinh Châu và Thục Hán không còn là mối nguy hại.
Bản thân Tào Tháo cũng là đại anh hùng kiệt xuất đương thời, lại không bao giờ bạc đãi với những nhân tài có công, vậy tại sao một người cũng có lòng muốn thống nhất thiên hạ như Gia Cát Lượng lại không chọn Tào Tháo, mà đi chọn một kẻ bán giày vải như Lưu Bị?
Trên thực tế, kể từ năm 12 tuổi, Gia Cát Lượng đã vô cùng căm hận Tào Tháo. Sự việc bắt đầu từ năm Công Nguyên 193, cha của Tào Tháo là Tào Tung dẫn con út Tào Đức, mang theo hơn 100 xe hành lý chứa nhiều vàng bạc châu báu từ Lang Nha đến Thái Sơn hội ngộ với Tào Tháo.
Khi đoàn quân của Tào Tung đi qua địa phận Từ Châu, thì được thứ sử của vùng này là Đào Khiêm cử tướng Trương Cương đi hộ tống. Tuy nhiên, giữa đường Trương Cương nổi lòng tham, giết chết Tào Tung và toàn bộ người nhà rồi hết của cải, rồi bỏ trốn đến Hoài Nam.
Vì chuyện này Tào Tháo vô cùng tức giận, đổ hết trách nhiệm cho Đào Khiêm, rồi lấy lý do báo thù cho cha mà xuất quân đánh Từ Châu.
Đào Khiêm ra quân chống lại, hai bên đụng độ ở Bành Thành. Quân Từ châu bị quân Tào đánh bại, Đào Khiêm rút về thành Đan Dương cố thủ.
Thời gian này, Đào Khiêm lâm bệnh qua đời. Trước khi chết, Đào Khiêm đã giao Từ Châu lại cho Lưu Bị. Tào Tháo vây đánh nhiều ngày không sao phá được, bèn trút giận lên dân thường để trả thù cho cha, ra lệnh tàn sát hơn 10 vạn người dân ở 5 thành Thủ Lự, Tuy Lăng, Hạ Khâu, Bành Thành, Phó Dương cùng các hương trấn sở thuộc.
Cho đến khi Lữ Bố đánh chiếm đánh chiếm Duyện Châu, Tào Tháo mới buộc phải ngừng vây ép Từ Châu, mang quân trở về cứu.
Trong "Hậu Hán thư - Đào Khiêm truyện" ghi chép lại: "Lần tiến công này của Tào Tháo đến gà chó cũng không lối thoát, sông Tứ Thủy cũng phải ngừng chảy".
Tào Tháo tại Từ Châu đại khai sát giới, thi thể chồng chất đến dòng Tứ Thủy cũng không thể lưu thông. Gia đình của Gia Cát Lượng nhiều thế hệ sống tại Lang Nha, Từ Châu đương nhiên khó tránh việc bị ảnh hưởng.
Cha của Gia Cát Lượng mất sớm, Gia Cát Lượng cùng anh trai Gia Cát Cẩn sống cùng người chú Gia Cát Huyền, cuộc sống tương đối an nhàn. Tuy nhiên, sau khi Tào Tháo phát động trận cuồng phong đẫm máu, Gia Cát Huyền buộc phải đưa 2 người cháu rời khỏi Lang Nha, chạy trốn khắp nơi.
Trên đường trốn chạy, Gia Cát Huyền không may mất mạng trong cuộc tàn sát đó, còn Gia Cát Cẩn thì lưu lạc đến Giang Đông, cả nhà từ đó sinh ly tử biệt, không có ngày tương ngộ.
Gia Cát Lượng sau này đi theo Lưu Bị còn Gia Cát Cẩn thì phò tá cho Tôn Quyền, không một ai trong dòng họ Gia Cát phục vụ cho Tào Tháo - thế lực mạnh nhất và có cơ hội thống nhất thiên hạ dễ dàng nhất vào thời điểm đó. Không chỉ dòng họ Gia Cát, cuộc tàn sát của Tào Tháo còn gây thù chuộc án với nhiều giá đình quý tộc ở Từ Châu. Đó có lẽ cũng là lý do cho việc nhân tài dưới trướng Tào Tháo hầu như không có ai xuất thân từ vùng đất này.
Hoa Vũ (Theo Sohu)