Lưu Bị cảm thấy tiếc nuối nhất khi không thể giữ chân hai mãnh tướng, một người có thể định thiên hạ, người còn lại có thể cứu lấy giang sơn bên mình.
Lưu Bị chiêu an được rất nhiều nhân tài nhưng cũng đánh mất rất nhiều tướng lĩnh quan trọng. |
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhắc đến Lưu Bị, đa số mọi người đều nghĩ đến ba từ "người thích khóc". Khi gặp người tài Lưu Bị sẽ khóc, có người rời đi ông lại khóc, đánh bại được quân Tào cũng khóc.
Nói cách khác, giang sơn của Lưu Bị hoàn toàn nhờ "khóc" mà có được. "Tuyệt kỹ" này làm cho Gia Cát Lượng cảm động, khiến cho Quan Vũ với Trương Phi trọng tình trọng nghĩa và Triệu Vân cam tâm liều chết.
Mặc dù có tài dùng người của Lưu Bị thuộc hàng đứng đầu Tam Quốc, nhưng vẫn có những người Lưu Bị không thể giữ chân được.
Điền Dự đã không chọn Lưu Bị mà lại đi theo phục vụ Tào Tháo. |
Người thứ nhất là Điền Dự. Ông là đại tướng trấn thủ biên cương của Tào Ngụy, ban đầu là tướng lĩnh đi theo Công Tôn Toản. Tuy nhiên Công Tôn Toản không biết Điền Dự là một viên ngọc quý, nên đã điều ông đi làm một huyện lệnh, cũng chính lúc này Điền Dự và Lưu Bị đã có cuộc hội ngộ.
Điền Dự năm đó tuy tuổi con trẻ nhưng dũng mãnh hơn người. Trương Phi chặn cầu dọa 80 vạn đại quân Tào Tháo phải rút lui chỉ là một câu chuyện được biên soạn trong tiểu thuyết, nhưng Điền Dự dọa 1 vạn quân bỏ chạy là một câu chuyện có thật trong lịch sử.
Năm đó, bộ tướng Vương Môn của Công Tôn Toản tạo phản, giúp Viên Thiệu đem hơn vạn quân đến đánh, Điền Dự hay tin, đứng trên thành hét vọng xuống: "Ông được họ Công Tôn coi trọng mà lại bỏ đi, trong lòng chắc là bất đắc dĩ, vậy mà nay lại làm giặc. Người có trí nông cạn như cái bình nhỏ còn vẫn biết giữ lòng trung không đổi, nay ta đã nhận lệnh tại đây, sao không mau tấn công?"
Vương Môn nghe thấy hổ thẹn mà rút quân. Công Tôn Toản không nhận ra tài năng của Điền Dự nhưng Lưu Bị lại nhìn ra. Khi Điền Dự lấy lý do mẹ bệnh để xin rời khỏi Công Tôn Toản, Lưu Bị đã hiểu rằng Điền Dự một đi sẽ không trở lại. Khi từ biệt Điền Dự, Lưu Bị lại khóc: "Hận không thể cùng Quân cùng thành đại sự".
Sau lần đó, người ta thấy Điền Dự tái xuất là một viên hổ tướng dưới chướng Tào Tháo, giúp Tào Tháo trấn giữ biên cương phía Bắc hơn 40 năm, là nỗi ác mộng của tộc Hồ và Hung Nô. Ông được coi là một trong những hậu phương kiên cố nhất của gia tộc Tào Thị.
Chỉ tiếc rằng Điền Dự cho đến cuối cùng vẫn không đi theo Lưu Bị. Nếu đi theo phò trợ Hán Thất, chưa biết chừng Điền Dự có thể cùng với Quan Vũ tề danh, thiên hạ cũng sẽ như nằm trong tầm tay của Lưu Bị.
Vì tính cố chấp bảo thủ mà Lưu Bị đã để mất Hoàng Quyền vào tay Tào Ngụy. |
Người còn lại là Hoàng Quyền. Ông là một người có tài năng quân sự rất cao, đồng thời tài trí mưu lược cũng rất lợi hại. Hoàng Quyền là người đầu tiên đề xuất đánh chiếm Hán Trung, ông giải thích rõ tính chất quan trọng của Hán Trung và chỉ định sách lược công chiếm cho Lưu Bị.
Khi Lưu Bị quyết tâm phạt Ngô, Hoàng Quyền can ngăn: "Người Ngô dũng mãnh, thiện chiến, lại có thủy quân hùng mạnh. Ta tiến quân có thể dễ dàng, nhưng khi lui quân thì vô cùng khó khăn. Thần xin được làm tiên phong đi trước để do thám thực hư của địch còn bệ hạ trấn giữ phía sau".
Năm Công Nguyên 222, Đại đô đốc Đông Ngô là Lục Tốn tận dụng sai lầm quân sự của Lưu Bị, đại phá quân Thục. Lục Tốn thuận theo dòng nước, điều quân bao vây, phong tỏa khu vực đóng quân của Hoàng Quyền. Hoàng Quyền bị kẹt ở bờ bắc, không còn đường chạy về theo Lưu Bị, lại không muốn hàng Ngô, nên bất đắc dĩ phải mang quân sang hàng Tào Phi.
Khi hay tin Hoàng Quyền hàng Ngụy, nhiều quan tướng nhà Thục xin Lưu Bị bắt gia quyến ông. Lưu Bị không đồng tình, lại rơi lệ: "Là ta đã phụ Hoàng Quyền chứ Hoàng Quyền không phụ ta". Sau đó Lưu Bị còn ra lệnh chu cấp đầy đủ cho gia quyến ông.
Tào Phi gặp Hoàng Quyền, ví ông như Trần Bình, Hàn Tín bỏ Hạng Vũ theo Lưu Bang thời Tây Hán, nhưng Hoàng Quyền không nhận, ông khẳng định vì mình không thể về với Lưu Bị lại không thể hàng Ngô nên mới sang Tào. Tào Phi cảm phục ông, phong làm Trấn Nam tướng quân.
Năm Công Nguyên 223, Lưu Bị qua đời, bên Ngụy mọi người đều vui, riêng Hoàng Quyền u sầu một mình. Tư Mã Ý bèn viết thư cho thừa tướng Gia Cát Lượng rất tán tụng đức độ của Hoàng Quyền.
Nếu năm xưa không phải do Lưu Bị cố chấp không nghe lời khuyên của Hoàng Quyền, thì Hoàng Quyền cũng không phải bất đắc dĩ quy thuận Tào Ngụy. Nếu ông vẫn còn ở bên Thục Hán, có lẽ sức ảnh hưởng cũng không hề thua kém Gia Cát Lượng.
So với Gia Cát Lượng, ông có thể kém hơn về bản lĩnh trị quốc nhưng lại quyết đoán và nhiều kỳ mưu hơn.
Hoa Vũ (Theo Sohu)