Cảnh sát PCCC Hà Nội yêu cầu 531 cơ sở karaoke tạm dừng hoạt động khắc phục tồn tại, thiếu sót và tạm đình chỉ 126 quán vì vi phạm điều kiện kinh doanh.
Theo tin tức trên báo Công lý, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 11/4, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội đã thông tin về tình hình cháy nổ trên địa bàn thời gian qua.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 1281 vụ cháy (trong đó xảy ra 1240 vụ cháy cơ sở nhà dân và phương tiện giao thông cơ giới; 41 vụ cháy rừng) làm 27 người chết và 47 người bị thương. Về tài sản ước tính thiệt hại hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, xảy ra 12 vụ nổ, làm 6 người chết, bị thương 22 người.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội (Ảnh: Người Đưa Tin). |
Tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong quý 1/2017 xảy ra 291 vụ cháy, trong đó cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 4 vụ, cháy trung bình 50 vụ, cháy nhỏ 223 vụ, cháy rừng 13 vụ. So với cùng kỳ 2016, cháy nghiêm trọng tăng 1 vụ, cháy trung bình giảm hai vụ, cháy nhỏ tăng 18 vụ, giảm 1 người chết, thiệt hại tài sản gần 7 tỷ đồng.
Báo Người Đưa Tin thông tin thêm, đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội (CS PCCC) cho biết: "Sau vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy) làm 13 người chết, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp tổng kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke, vũ trường, quán bar"
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Qua kiểm tra 1.569 quán kinh doanh karaoke trên địa bàn TP, đã xử lý vi phạm hành chính 353 trường hợp với số tiền phạt hơn 870 triệu đồng, yêu cầu 531 cơ sở tạm dừng hoạt động khắc phục tồn tại, thiếu sót, tạm đình chỉ 126 cơ sở”.
Nói về những vi phạm của các quán karaoke, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, có nhiều tồn tại về hạ tầng như quán ở trong ngõ không đảm bảo điều kiện tiếp cận chữa cháy, nguồn nước hạn chế, chuyển đổi công năng từ nhà dân sang, vi phạm biển quảng cáo tấm lớn phía trước ảnh hưởng đến khả năng thoát nạn. Tới cuối năm 2017, đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra theo đúng quy định mới về điều kiện kinh doanh karaoke.
Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, đối với các nhà cao tầng, xe chữa cháy của cảnh sát PCCC chỉ có thể vươn cao 56m, tức có thể lên tới 15-16 tầng. Nhưng với nhà cao tầng thì chủ đầu tư tự đảm bảo công tác an toàn qua buồng thang thoát nạn.
Ngoài ra, thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng cho thấy, hiện Hà Nội có khoảng 1.077 nhà cao tầng gồm tất cả các loại, xong hiện công tác phòng cháy chữa cháy ở các tòa nhà này còn khó khăn do khu vực xung quanh bị lấn chiếm làm chỗ kinh doanh, đỗ ô tô. Vì thế, khi không may xảy ra cháy, phương tiện chữa cháy di chuyển khó khăn.
Theo thông tin được lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội đưa ra thì trong số 2.688 trụ nước hiện có, có tới 382 trụ nước qua kiểm tra không lấy được nước. Ngoài ra, có 87 trong số 1.193 bể dự trữ nước qua kiểm tra không lấy được nước.
Nguyên nhân được chỉ ra là do các trụ này nằm ở vị trí xa nhà máy nước, cuối nguồn, đặc biệt vào mùa hè rất ít nước.
Lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng nhận định, công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ còn hạn chế do thiếu về trang thiết bị phương tiện, các điều kiện hạ tầng (giao thông, điện, nước…) phục vụ cho chữa cháy và cứu hộ chưa đáp ứng yêu cầu so với sự phát triển kinh tế - xã hội.
(tổng hợp)