Video: Chỉ huy cấp cao của Taliban trả lời phỏng vấn
Afghanistan có thể sẽ được điều hành bởi một hội đồng Taliban cầm quyền, trong khi thủ lĩnh tối cao của phong trào Haibatullah Akhundzada sẽ vẫn nắm quyền lãnh đạo tổng thể, một thành viên cấp cao Taliban trả lời Reuters ngày 18/8.
Taliban cũng sẽ liên hệ với các cựu phi công và binh sĩ từ các lực lượng vũ trang Afghanistan để đề nghị gia nhập hàng ngũ của mình, Waheedullah Hashimi, người có quyền ra quyết định của nhóm, cho biết thêm trong một cuộc phỏng vấn.
Hàng nghìn binh sĩ đã bị phiến quân Taliban sát hại trong 20 năm qua, và gần đây nhóm này nhắm vào các phi công Afghanistan do Mỹ đào tạo vì vai trò nòng cốt của họ.
Cơ cấu quyền lực mà Hashimi vạch ra sẽ mang những nét tương đồng với cách Taliban điều hành Afghanistan từ năm 1996 đến 2001. Khi đó, thủ lĩnh tối cao Mullah Omar vẫn ở trong bóng tối và để lại việc điều hành đất nước hàng ngày cho một hội đồng.
“Akhundzada có thể sẽ đóng một vai trò trên cả người đứng đầu hội đồng, người sẽ giống như chủ tịch của đất nước”, Hashimi nói thêm.
Thủ lĩnh tối cao của Taliban có ba cấp phó: Mawlavi Yaqoob, con trai của Mullah Omar, Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh của mạng lưới chiến binh hùng mạnh Haqqani, và Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban ở Doha và là một trong những thành viên sáng lập của nhóm.
Hashimi giải thích, nhiều vấn đề liên quan đến cách Taliban điều hành Afghanistan vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng Afghanistan sẽ không phải là một nền dân chủ.
"Sẽ không có thể chế dân chủ nào cả vì nó không có bất kỳ nền tảng nào ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thảo luận về loại thể chế chính trị sẽ được áp dụng ở Afghanistan vì nó đã rõ ràng, đó là luật Hồi giáo sharia”, Hashimi khẳng định.
Hashimi cho biết ông sẽ tham gia một cuộc họp của giới lãnh đạo Taliban để thảo luận về các vấn đề điều hành vào cuối tuần này.
Về việc tuyển mộ các binh sĩ và phi công đã chiến đấu cho chính phủ Afghanistan bị lật đổ, Hashimi cho biết Taliban có kế hoạch thành lập một lực lượng quốc gia mới bao gồm các thành viên của chính mình cũng như các binh sĩ chính phủ sẵn sàng tham gia.
"Hầu hết trong số họ đã được đào tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Đức và Anh. Vì vậy, chúng tôi sẽ nói chuyện với họ để học trở lại vị trí", Hashimi nói.
"Tất nhiên chúng tôi sẽ có một số thay đổi, có một số cải cách trong quân đội, nhưng chúng tôi vẫn cần họ và sẽ kêu gọi họ tham gia cùng chúng tôi”.
Hashimi cho biết Taliban đặc biệt cần phi công vì họ không có, trong khi họ đã thu giữ máy bay trực thăng và các máy bay khác ở nhiều sân bay Afghanistan trong cuộc chinh phục đất nước chớp nhoáng sau khi quân đội nước ngoài rút đi.
“Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều phi công. Và chúng tôi đã yêu cầu họ đến tham gia, tham gia cùng anh em của họ, chính phủ của họ. Chúng tôi đã gọi cho nhiều người trong số họ và đang tìm kiếm số (của những người khác) để gọi cho họ và mời họ làm việc”, thành viên cấp cao Taliban thông tin.
Hashimi cho biết Taliban mong đợi các nước láng giềng trả lại máy bay đã hạ cánh trên lãnh thổ của họ - một dẫn chứng rõ ràng là 22 máy bay quân sự, 24 máy bay trực thăng và hàng trăm binh sĩ Afghanistan đã chạy sang Uzbekistan vào cuối tuần qua.
Taliban là ai? Taliban lâu nay được biết đến như là một lực lượng Hồi giáo cực đoan, có nguồn gốc từ các nhóm phiến quân Hồi giáo "mujahedeen" của Afghanistan trong thập niên 1980. Lực lượng Taliban những ngày đầu được xây dựng từ các bộ tộc người Pashtun sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Bắc Pakistan. Taliban xuất phát từ tiếng Pashto có nghĩa là “sinh viên”. Người Pashtun cũng là dân tộc chiếm đa số ở Afghanistan. Người sáng lập Mohammad Omar, vốn là một chỉ huy trong cuộc chiến tranh Afghanistan, bắt đầu phát động phong trào Taliban vào năm 1994 nhằm đảm bảo an ninh cho thành phố Kandahar ở phía đông nam, nơi bị ảnh hưởng bởi tội phạm và bạo lực. Ban đầu tầm nhìn về công lý của Taliban đã giúp họ gây dựng sức mạnh. Vào mùa thu năm 1996, Taliban chiếm được Kabul và tuyên bố Afghanistan là một tiểu vương quốc Hồi giáo. Taliban sau sau đó đã áp đặt một chế độ cai trị hà khắc. Taliban đưa ra những hình phạt khắc nghiệt như: hành quyết nơi công cộng, đóng cửa trường nữ sinh (dành cho những người từ 10 tuổi trở lên), cấm truyền hình và phá hủy các bức tượng Phật lịch sử, điện thoại thông minh bị cấm, nam giới buộc phải gia nhập lực lượng hoặc bị trừng phạt… Lời biện minh cho những hành động của Taliban xuất phát từ sự pha trộn giữa quan niệm về chính thống về Hồi giáo với các truyền thống của Afghanistan. Trong thời kỳ đỉnh cao của sự cai trị của Taliban vào năm 1999, không một bé gái nào được đăng ký học ở trường trung học và chỉ 4% (9.000 người) trong số những người đủ điều kiện học ở trường tiểu học. Hiện có khoảng 3,5 triệu trẻ em gái đang đi học. Tư tưởng của Taliban có nhiều điểm tương đồng với tổ chức khủng bố Al-Qaeda của Osama Bin Laden, điểm khác là Taliban chỉ tập trung vào sự cai trị ở trong nước. Al-Qaeda sát cánh với Taliban tấn công các nhóm vũ trang liên kết với quân đội chính phủ. Đổi lại, lãnh đạo Taliban cung cấp địa điểm trú ẩn và rèn quân cho Al-Qaeda. Từ Afghanistan, đầu não của Al-Qaeda đã lên kế hoạch vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. Và chỉ vài tháng sau đó, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tấn công lật đổ chế độ Taliban nhằm truy quét Al-Qaeda. Khi Taliban bị hất cẳng khỏi Kabul, Al-Qaeda cũng biến mất vào vùng đồi núi ở biên giới với Pakistan. Mãi tới tháng 5/2011, biệt kích Mỹ mới có thể tìm ra nơi lẩn trốn và tiêu diệt Osama Bin Laden ngay tại hiện trường. Tháng 7/2015, chính phủ Afghanistan xác nhận Mohammad Omar, người sáng lập Taliban, đã chết ở Karachi, Pakistan. |
Mộc Miên (Theo Reuters)