Từ khi Taliban trở lại nắm quyền, nhiều trường học ở thủ đô Kabul và trên khắp Afghanistan đã phải đóng cửa trong một thời gian dài. Ngày 17/9 (giờ địa phương), tổ chức này yêu cầu các quan chức giám sát việc mở cửa trở lại của "các trường tư thục, công lập và các cơ sở học thuật khác của đất nước" vào ngày 18/9, theo đó cho phép các nam sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trở lại trường học. Tuyên bố này không đề cập đến nữ sinh, theo Washington Post.
“Tất cả học sinh và giáo viên nam phải có mặt tại trường học của họ”, thông báo này cho biết. Mặc dù tuyên bố không đề cập rõ ràng đến việc đi học trở lại của các nữ sinh trung học nhưng một số người Afghanistan đã hiểu ý nghĩa của sự vắng mặt dễ thấy. Thông báo này đã gây ra sự phẫn nộ, chỉ trích và hoang mang của công chúng trên mạng xã hội.
Qudsia Qanbary, một nữ giáo viên trung học, chia sẻ trong một bài đăng trên Facebook rằng các nam sinh và đồng nghiệp nam nên tẩy chay trường học. “Nếu tôi là con trai, tôi sẽ không đi học trừ khi em gái tôi cũng có thể đi học”, cô nói.
“Cấm con gái đến trường chẳng khác nào chôn sống chúng. Đừng để cơn ác mộng này biến thành hiện thực", Aryan Aroon, một nhà hoạt động và nhà văn từ Afghanistan, người đã rời khỏi đất nước trước khi Taliban tiếp quản, nói với The Post.
Bilal Karimi, người phát ngôn của Taliban, nói với tờ Washington Post rằng ông không biết về bất kỳ quyết định nào của bộ Giáo dục về việc mở cửa trở lại trường học cho nam sinh nhưng vẫn không cho nữ sinh đi học. "Chúng tôi cam kết giáo dục đối với cả trẻ em trai và gái", ông Karimi nói.
Quyền Bộ trưởng bộ Giáo dục đại học Abdul Baqi Haqqani đã thông báo vào ngày 12/9 rằng phụ nữ sẽ được phép học trong các trường đại học và chương trình sau đại học, mặc dù ông nói thêm rằng: “Chúng tôi sẽ không cho phép sinh viên nữ và nam học trong cùng một lớp học".
Trong thời kỳ cai trị cuối cùng của Taliban ở Afghanistan từ năm 1996-2001, các trường học dành cho nữ sinh bị đóng cửa và phụ nữ bị cấm đi làm. Nhiều phụ nữ không có người đi cùng trong những môi trường công cộng phải đối mặt với việc bị đánh đập.
Bích Thảo(Theo Washington Post)