+Aa-
    Zalo

    Tại sao xảy ra những vụ tai nạn thương tâm vì chạy trốn CSGT?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thông thường người vi phạm giao thông những lỗi nhỏ chỉ bị xử phạt hành chính. Song không ít trường hợp người vi phạm đã bỏ chạy khi bị CSGT tuýt còi.

    (ĐSPL) - Thông thường người vi phạm giao thông những lỗi nhỏ chỉ bị xử phạt hành chính. Song không ít trường hợp người vi phạm đã bỏ chạy khi bị CSGT tuýt còi, nhiều trường hợp CSGT tổ chức truy đuổi trên đường và gây ra những hậu quả nghiêm trọng khó lường.

    Về lý, khi bị CSGT thổi còi, yêu cầu dừng xe, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người thực thi công vụ. Việc bỏ chạy là hành vi không đúng. Tuy nhiên, khi CSGT đuổi theo gắt gao, khiến người vi phạm những lỗi đơn giản trên đường gặp phải sự cố dẫn đến thương tật, thậm chí tử vong thì sự việc đã hoàn toàn khác. Lúc này, dư luận sẽ có nhiều ý kiến trái chiều.

    Tại sao lại nhiều vụ tai nạn thương tâm?

    Theo nguồn tin, vào khoảng 14h, ngày 4/5, tại khu vực xóm Phung, xã Ngọc Mỹ, Tân Lạc, Hòa Bình đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm một người tử vong tại chỗ. Nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1975), có hộ khẩu thường trú tại xã Văn Sơn (Lạc Sơn).

    Nếu như việc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong khi tham gia giao thông thì sẽ không có những vụ tai nạn đáng tiếc.

    Một số người dân chứng kiến vụ việc cho biết, khi đang điều khiển xe máy trên Quốc lộ 12B từ Ngọc Mỹ về Lạc Sơn, anh Nguyễn Văn Thắng bị Tổ công tác CSGT Công an huyện Tân Lạc yêu cầu dừng xe để kiểm tra hành chính. Lúc này anh Thắng không chấp hành hiệu lệnh của CSGT mà tăng ga bỏ chạy và có một đồng chí CSGT dùng xe mô tô đuổi theo. Quá trình bỏ chạy, anh Thắng đâm vào cột mốc bên phải đường và tử vong tại chỗ.

    Sau khi xảy ra sự việc, một số người dân và người thân của nạn nhân đã tổ chức chặn đường không cho lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi, không cho mang xác nạn nhân về dẫn đến ách tắc giao thông nghiêm trọng trong nhiều giờ trên tuyến Quốc lộ 12B. Đến 21h cùng ngày, sau khi được lực lượng chức năng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, người thân đã đồng ý đưa xác nạn nhân về làm lễ mai táng.

    Ngày 7/5, trao đổi với PV, đại diện Công an tỉnh Hòa Bình xác nhận có vụ tai nạn kể trên và cho biết, đang phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra làm rõ nghi vấn CSGT huyện Tân Lạc có truy đuổi người vi phạm giao thông dẫn đến tử vong hay không. Và trả lời câu hỏi của PV về việc CSGT có được quyền truy đuổi người vi phạm hay không, vị đại diện Công an tỉnh Hòa Bình từ chối trả lời và cho biết toàn bộ những nghi vấn liên quan đến vụ tai nạn đang được tập trung điều tra để làm rõ.

    Trước đó, khoảng 19h20’ ngày 24/4, trên Quốc lộ 1A, trước cổng Tổng kho DFC (thôn Như Xuân, xã Vĩnh Phương, TP.Nha Trang), trong lúc truy đuổi anh Huỳnh Tấn Nam (SN 1989, bảo vệ Tổng kho DFC, chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm), CSGT huyện Diên Khánh đã làm anh Nam trọng thương.

    Nạn nhân Huỳnh Tấn Nam đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa.

    Trước đó, sáng 25/4, tại Tổng kho DFC, anh Huỳnh Tấn Hùng (nhân viên công ty Vệ sĩ 24) kể: Vào thời điểm nói trên, đang trực bảo vệ tại cổng tổng kho, anh thấy 2 người đi trên mô tô đuổi theo Nam. Khi qua cổng tổng kho về phía Bắc khoảng 80m, người ngồi sau quất gậy trúng vai Nam, làm Nam ngã.

    Tưởng cướp, anh Hùng hô “cướp, cướp” và cùng mọi người chạy tới. Đến nơi, thấy viên CSGT lấy chân đá vào người Nam, anh Hùng phản ứng: “Không cứu người ta mà còn đánh?”.  Thấy nhiều người kéo đến, viên CSGT gọi công an viên lên mô tô, bỏ chạy.

    Sáng 25/4, thượng tá Đinh Hồng Nghiệp, Trưởng Công an huyện Diên Khánh cho biết: Tối 24/4, rời hiện trường, 2 cán bộ trên đã về trụ sở công an huyện, báo cáo vụ việc. Ông Nghiệp cho biết đang điều tra vụ việc, chưa có kết luận. Trước mắt, cơ quan công an có trách nhiệm cùng gia đình cứu chữa cho Nam.

    Tại trụ sở công an huyện, Thượng tá Phạm Xuân Nghị, Phó Công an huyện Diên Khánh cho biết, viên CSGT là thượng sỹ Vũ Văn Duy, người ngồi sau là công an viên xã Diên Phú Nguyễn Trọng Hiếu. Sau vụ việc, Duy và Hiếu có biểu hiện hoảng loạn nhưng họ không nhận đánh Nam.

    Trưa 25/4, bác sỹ Nguyễn Văn Xáng, Phó Giám đốc bệnh viện tỉnh Khánh Hòa cho biết, Nam bị chấn thương nặng. Ông Huỳnh Đức Đại (ngụ Như Xuân, cha của Nam) cho biết sáng 25/4, ông Lê Văn Đài, Phó Công an huyện Diên Khánh, có đưa cho ông 20 triệu đồng, nói để lo cứu chữa Nam.

    Nhiều ý kiến trái chiều

    Nếu xảy ra việc CSGT truy đuổi, kèm theo dùng công cụ cảnh cáo hay đạp chân vào xe người đi đường nhằm để họ dừng xe, những cảnh sát này sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp các nạn nhân trong những vụ truy đuổi tương tự như trên đã tự ngã do hoảng loạn, không làm chủ tốc độ. Thậm chí, một số vụ còn gây ra tai nạn cho người khác khi bỏ chạy với tốc độ cao.

    Chính vì vậy rất khó quy kết trách nhiệm thuộc về CSGT. Ý kiến dư luận vẫn còn rất trái ngược nhau. Một số người chỉ trích việc CSGT ráo riết truy đuổi, khiến người vi phạm hoảng sợ, gây ra hậu quả không đáng có. Một số khác lại cho là  nếu CSGT không đuổi theo thì pháp luật không được thực thi, vì CSGT chỉ đuổi theo người có hành vi vi phạm luật Giao thông. Người bỏ chạy đã sai và nếu gây hậu quả cho bản thân thì đó không phải là lỗi của CSGT. Ngược lại, nếu gây ra tai nạn cho người không liên quan còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Theo ý kiến của nhiều luật sư, các quy định của pháp luật hiện hành có cho phép trong trường hợp có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi nghiêm trọng, sau khi CSGT, TTGT ra hiệu lệnh dừng nhưng người vi phạm vẫn cố tính bỏ chạy thì có thể được truy đuổi. Tuy nhiên, phải đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm lỗi nhỏ thì CSGT chỉ được dừng xe của người vi phạm.

    Các lỗi nhỏ được xem là các lỗi mà người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính như vi phạm về đèn tín hiệu, không đội mũ bảo hiểm, lấn tuyến... Tuy nhiên, một số ý kiến của người trong ngành giao thông cho biết nhiều trường hợp người vi phạm không những coi thường luật lệ giao thông, coi thường lực lượng chức năng mà còn có sự khiêu khích, thách đố vì tin rằng CSGT không có quyền đuổi bắt.

    Như vậy, phải làm như thế nào mới có thể vừa đảm bảo an toàn vừa thực thi được pháp luật trong lĩnh vực giao thông, vốn là một lĩnh vực còn đó nhiều vấn nạn từ sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông của người dân?

    Chính từ những vi phạm nhỏ có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, gây nguy hại cho xã hội. Nếu không kịp thời chấn chỉnh hay có những biện pháp răn đe mạnh từ lực lượng chức năng thì sẽ khó đảm bảo được trật tự.

    Những cái chết thương tâm do tại nạn khi truy đuổi đã khẳng định sự không cần thiết này. Dù đã vi phạm hành chính, người đó hoàn toàn không đáng mất đi mạng sống của mình. Việc truy đuổi chỉ được phép sử dụng trong trường hợp chính đáng, tối cần thiết...                                      

    Xác minh vụ nữ sinh bị thương vong...

    Liên quan đến thông tin có xe mô tô cảnh sát đuổi theo trước khi xảy ra vụ tai nạn khiến 3 học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa, Phú Yên) thương vong, chiều 30/3, trao đổi với PV, Đại tá Lương Tấn Dĩnh - Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Phú Yên cho biết, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an TP. Tuy Hòa tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.

    Trước đó, lúc 23h ngày 26/3, 3 nữ sinh lớp 12 trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa, Phú Yên) cùng đi trên 1 chiếc xe máy, khi đến ngã ba đường Trường Chinh - Phù Đổng (phường 7, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã tông vào tường rào ký túc xá trường cao đẳng Nghề Phú Yên.

    Vụ tai nạn đã làm nữ sinh Võ Thị Thu Thảo (18 tuổi, thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) tử vong tại hiện trường. Hai nữ sinh còn lại bị thương nặng đang được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Trong đó, Lê Thị Thanh Tuyền (18 tuổi, trú thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) bị chấn thương sọ não, nứt xương gò má, đa chấn thương vùng mặt, mắt. Nguyễn Thị Thanh Lan (18 tuổi, thôn Xuân Mỹ, Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) bị gãy tay phải, đa chấn thương. Đại tá Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Công an TP. Tuy Hòa cũng cho biết vụ việc hiện đang được Công an TP. Tuy Hòa thụ lý điều tra".

    Luật sư Nguyễn Duy Hùng - Đoàn luật sư Hà Nội: “Đã thực thi pháp luật thì phải kiên quyết trấn áp đến cùng”

    Tôi hoàn toàn đồng ý việc CSGT đuổi đến cùng, phải đặt luật pháp lên hàng đầu thì ý thức người dân mới tốt được. Tuy nhiên cùng với đó cũng nên xây dựng một lực lượng CSGT văn minh, lịch sự, luôn đặt sự an toàn cho người dân lên trên hết.

    Có như vậy, khi thực thi nhiệm vụ, mọi tình huống gây hậu quả nghiêm trọng cũng sẽ được các chiến sỹ lường trước, các chiến sỹ CSGT sẽ có được những quyết định sáng suốt nên hay không nên truy đuổi người vi phạm và truy đuổi trong tình huống nào là đúng đắn, thích hợp nhất. Ngoài ra, việc xử lý nghiêm những CSGT nhận tiền mãi lộ, có thái độ không tôn trọng người dân cũng là cách tạo dựng một hình ảnh đẹp, thân thiện cho chiến sỹ CAND.

    NHÓM PHÓNG VIÊN

    Xem thêm video: Xôn xao clip CSGT bị tố đánh người vi phạm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-xay-ra-nhung-vu-tai-nan-thuong-tam-vi-chay-tron-csgt-a94689.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.