+Aa-
    Zalo

    Tài chính - Ngân hàng “hút” vốn FDI vượt bất động sản

    (ĐS&PL) - Vốn đầu tư FDI vào kinh doanh bất động sản giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023, trong khi hoạt động tài chính – ngân hàng “hút” vốn ngoại tăng 12 lần so với cùng kỳ. Do đó, bất động sản đã đứng thứ 3 trong các lĩnh vực có thu hút vốn ngoại, “nhường” vị trí á quân cho tài chính – ngân hàng.

    Theo tờ Nhịp sống kinh tế, báo cáo về tình hình thu hút FDI mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ nhưng tăng 10,6 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm.

    tai chinh ngan hang hut von fdi vuot bat dong san
    Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 5 tháng đầu năm đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

    Trong đó, có 962 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, (tăng 66,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, (tăng 27,8% so với cùng kỳ).

    Có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD, (giảm 59,4% so với cùng kỳ).

    Có 1.278 giao dịch góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, (giảm 5,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD, (tăng 67,2% so với cùng kỳ).

    Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 2,5% so với cùng kỳ.

    Đáng chú ý, trong những năm gần đây, vốn FDI tham gia đầu tư vào ngành bất động sản Việt Nam luôn đứng thứ 2 trong các lĩnh vực có thu hút vốn ngoại. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay, ngành bất động sản bị tụt xuống vị trí thứ 3 khi chỉ thu hút được 1,16 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, giảm đến 61,3% so với số vốn đầu tư gần 3 tỷ USD vào lĩnh vực này của cùng kỳ năm trước, theo báo Thanh niên.

    Ngược lại, lĩnh vực tài chính, ngân hàng vươn lên vị trí thứ 2 trong thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay với tổng số vốn đạt được hơn 1,53 tỷ USD, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước. 

    Xét theo đối tác đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

    Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 14,3% so với cùng kỳ 2022. Nhật Bản đứng thứ 2 với gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,61 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước.

    Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%).

    Về địa bàn đầu tư, theo tạp chí Mekong Asean, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2023.

    Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Giang xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,…

    ​Nếu xét về số dự án, TP.HCM là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,9%), số lượt dự án điều chỉnh (24,9%) và góp vốn mua cổ phần (65,4%).

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-chinh-ngan-hang-hut-von-fdi-vuot-bat-dong-san-a576761.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan