Sức hút của bất động sản du lịch xanh Đời Sống Pháp Luật
    +Aa-
    Zalo

    Sức hút của bất động sản du lịch xanh

    (ĐS&PL) - Theo dòng chảy sống xanh, tiêu dùng xanh, các sản phẩm bất động sản gần gũi với thiên nhiên, trong đó có bất động sản du lịch xanh được nhiều chuyên gia dự báo sẽ lên ngôi.

    Để hiểu thêm về triển vọng phát triển, đầu tư bất động sản du lịch xanh tại Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Chí Công, Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), Tổng giám đốc SB INVEST.

    suc hut cua bat dong san du lich xanh

    Ông Đỗ Chí Công, Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âutại Việt Nam (EuroCham), Thành viên Hiệp hội Doanhnghiệp Hàn Quốctại Việt Nam (KorCham), Tổnggiám đốc SB INVEST.

    ĐS&PL: Thưa ông, sự dịch chuyển trong nhu cầu lựa chọn của khách hàng về dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng hiện nay có gì khác so với trước kia?

    Ông Đỗ Chí Công: Theo khảo sát mới nhất đầu năm 2023 của TripAdvisor – chuyên trang hàng đầu thế giới về du lịch, có đến 72% khách du lịch thế giới đang ngày càng có xu hướng lựa chọn hợp lý hơn với môi trường và du lịch xanh. Không chỉ tìm kiếm địa điểm khác biệt, mới lạ, du khách còn chuyển hướng tiêu dùng và mua sắm những sản phẩm có ý nghĩa, giảm lượng rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

    Nắm bắt tâm lý này của khách hàng, các cơ sở lưu trú resort, khách sạn cũng nhanh chóng đưa các sản phẩm bền vững vào dịch vụ của mình. Trong xu thế hiện nay, sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày một nâng lên thì việc phát triển sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao góp phần tạo tính cạnh tranh và hấp dẫn cho điểm đến du lịch.

    ĐS&PL: Xin ông cho biết để phát triển một công trình xanh theo đúng tiêu chuẩn, đòi hỏi những gì ở chủ đầu tư?

    Ông Đỗ Chí Công: Việc xây dựng một công trình xanh yêu cầu chi phí đầu tư khá lớn, quy trình và thủ tục thiết kế thẩm định, phê duyệt, thi công khá phức tạp cũng như mất nhiều thời gian, công sức, khiến các chủ đầu tư e ngại. Do vậy, để phát triển sản phẩm bất động sản xanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có tâm, có tầm, đủ tiềm lực và tầm nhìn kiên định với con đường phát triển bền vững này.

    ĐS&PL:Các nhà đầu tư được hưởng lợi gì từ việc phát triển các dự án bất động sản du lịch xanh, thưa ông?

    Ông Đỗ Chí Công: Với những lợi ích, giá trị của bất động sản du lịch xanh mang lại, hiện nay, người mua nhà và giới đầu tư bất động sản tại Việt Nam có xu hướng tìm kiếm bất động sản gần sông, núi, biển, hồ để sinh sống và đầu tư. Số lượng giới hạn là lý do khiến các dự án cận thiên nhiên luôn được thị trường chào đón.

    Dung hòa được các yếu tố về vị trí - không gian sống - tầm nhìn hướng thiên nhiên sẽ là một điểm sáng cho các nhà đầu tư thành công. Về lâu dài, đây có thể là xu hướng mới đủ sức định hình lại cuộc chơi trên thị trường bất động sản, hướng đến sự phát triển bền vững và sinh lời dài hạn cho chủ đầu tư, khách hàng và xã hội.

    ĐS&PL:Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về dư địa phát triển bất động sản du lịch xanh cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khai phá?

    Ông Đỗ Chí Công: Tôi cho rằng mặc dù có tiềm năng lớn, song du lịch xanh ở Việt Nam chưa thực sự phát triển một cách bài bản và nhất quán. Đây cũng chính là cơ hội, là dư địa để các nhà phát triển bất động sản du lịch có thể đầu tư một cách bài bản và có tầm nhìn dài hạn.

    Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước đã tăng cường liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang lại không gian tại các cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch để thu hút du khách. Sự kết hợp khăng khít, đồng bộ giữa địa phương và doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch xanh.

    Hơn nữa, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh tế xanh, đặc biệt là mảng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (resort nghỉ dưỡng cao cấp, condotel, sân golf…).

    Ngoài ra, chính sách tích cực kêu gọi thu hút FDI (chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ, 50 Tập đoàn Mỹ quan tâm đầu tư tại Việt Nam...), ngân hàng giảm lãi suất, tung các gói tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh... chính là nguồn động lực rất lớn và tạo lập niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

    ĐS&PL:Ông có thể gợi ý một số giải pháp để thu hút đầu tư FDI vào thị trường bất động sản du lịch xanh ở Việt Nam?

    Ông Đỗ Chí Công: Tôi cho rằng mấu chốt để thu hút nguồn vốn FDI xanh là việc Chính phủ cùng các Bộ ban ngành hoàn thiện khung pháp lý mới để thu hút, khai thông các nguồn vốn ngoại. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030.

    Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và nhiều mục tiêu ưu tiên khác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định.

    Do đó, cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa những chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; ưu tiên dự án có mô hình tăng trưởng xanh. Việc xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung là rất cần thiết để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng thân thiện với môi trường.

    Vân Anh 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/suc-hut-cua-bat-dong-san-du-lich-xanh-a579809.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tin cùng chuyên mục
    Nổi bật trong ngày