+Aa-
    Zalo

    Sửa đổi Nghị định 67, phải bám sát mục tiêu ban đầu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc làm việc với các Bộ, ngành: về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67.

    Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc làm việc với các Bộ, ngành: về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67.

    Ngày 7/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc làm việc với các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67 để sát hơn với thực tiễn và nhu cầu sử dụng tàu cá công suất lớn, phục vụ hiệu quả đánh bắt xa bờ của đông đảo ngư dân.

    "Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản vẫn phải bám sát mục tiêu ban đầu là phát triển đội tàu cá vỏ thép, công suất lớn đánh bắt xa bờ, góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo" - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

    Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Chính phủ đã bổ sung nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tốt hơn với ngư dân và tổ chức liên quan tới hoạt động nghề cá. (Ảnh: VGP)

    Trước đó vào tháng Năm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì một cuộc họp để cho ý kiến vào việc sửa đổi Nghị định 67, và sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40 sau phiên họp thường kỳ tháng 5/2015 đồng ý về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67.

    Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung trường hợp ngư dân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá dùng vỏ vật liệu mới vào đối tượng được hưởng ưu đãi, bổ sung quy định hỗ trợ chi phí thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ và vỏ vật liệu mới (có công suất từ 400 CV trở lên).

    Đáng chú ý, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã nâng thời hạn cho vay đối với trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới (có suất đầu tư lớn) từ 11 năm lên 16 năm (trong đó có 1 năm ân hạn lãi suất), còn tàu cá vỏ gỗ vẫn giữ nguyên thời hạn cho vay là 11 năm. Trường hợp chủ tàu muốn nâng cấp tàu cá thì có thể sử dụng máy cũ để lắp ráp vào tàu nhưng nếu đóng mới thì phải sử dụng máy mới.

    Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung quy định với tàu nâng cấp. Cụ thể là ngoài nâng cấp công suất máy còn được thực hiện một hoặc nhiều hạng mục nâng cấp khác như gia cố vỏ tàu, nâng cấp hầm bảo quản, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, bốc xếp hàng hóa và các hạng mục này đều được hưởng tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

    Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm là các thành viên nghiệp đoàn nghề cá có tham gia khai thác hoặc làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

    Một trong những nội dung được nhiều ngư dân băn khoăn là sử dụng máy cũ tới mức nào để nâng cấp tàu cá, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ đã dự thảo một thông tư về nhập khẩu, sử dụng máy móc cũ nói chung, theo đó, máy có thời gian sử dụng không quá 10 năm, có tiêu chuẩn phù hợp với quy định máy móc nhập khẩu của các nước công nghiệp phát triển G7 hoặc phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

    Như vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bỏ quy định trước đây là chất lượng máy móc cũ phải đảm bảo từ 80\% trở lên đồng thời Bộ đã có kế hoạch để thực hiện việc hậu kiểm chất lượng máy móc, đảm bảo thời gian thông quan nhanh chóng.

    Liên quan tới ý kiến đề nghị cho vay thương mại đối với phần vốn đối ứng mà dự thảo Nghị định không tiếp thu để bổ sung, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết quy định đưa ra là ngư dân vay đóng mới, nâng cấp tàu phải có vốn đối ứng từ 5-30\% để chứng minh trách nhiệm và năng lực tài chính của chủ tàu, đảm bảo hiệu quả sử dụng, khai thác tàu cá có hiệu quả nhất. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm là có ý kiến đề nghị Chính phủ nên cho ngư dân hưởng mức vay hỗ trợ lãi suất lớn hơn khi đóng tàu vỏ gỗ để phần vốn đối ứng chỉ còn 15\%, thay vì mức cao như hiện nay là 30\%.

    Cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã bổ sung nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tốt hơn với ngư dân và những cá nhân, tổ chức liên quan tới hoạt động nghề cá. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về chính sách ưu đãi của Chính phủ. Nhiều người nói đóng tàu sắt, tiền bỏ ra quá lớn, đóng tàu vỏ gỗ sẽ đỡ tốn hơn. Nhưng phải kiên định thực hiện mục tiêu mà Nghị định 67 đặt ra ngay từ đầu là đóng tàu vỏ sắt, công suất lớn, góp phần thay đổi cách thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ biển đảo.

    "Nếu chính sách sửa đổi theo hướng ưu tiên cho tàu công suất nhỏ (thấp hơn 400CV), tàu chỉ có thể khai thác gần bờ, dễ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Vì vậy Chính phủ không khuyến khích đóng loại tàu này. Chủ tàu muốn được ưu đãi nhiều hơn, phải đóng tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới có công suất lớn" - Phó Thủ tướng nói.

    Về hướng dẫn nhập khẩu máy tàu cũ để nâng cấp công suất của tàu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý dự thảo Nghị định chỉ quy định về mặt nguyên tắc.

    Trước mắt, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn cơ sở đóng tàu, ngư dân thực hiện dựa trên sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ đồng thời Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành thông tư hướng dẫn việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng nói chung cho nền kinh tế, tạo cơ sở thực hiện hiệu quả Nghị định 67.

    Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong tháng Bảy.

    Theo TTXVN

    [mecloud]iZFumAryPy[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sua-doi-nghi-dinh-67-phai-bam-sat-muc-tieu-ban-dau-a101255.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.