Ít năm sau cái chết của 2 người phụ nữ tu luyện giáo phái lạ, căn nhà lại trở thành hiện trường 1 vụ thảm án kinh hoàng. Vợ chồng quản gia bị sát hại bằng cách thức tàn nhẫn bên trong căn nhà. Nhiều cuộc điều tra đã được cơ quan chức năng thực hiện nhưng đến bây giờ, hung thủ gây ra vụ án chấn động vẫn là ẩn số.
Người dân hiếu kỳ đến xem cơ quan chức năng điều tra vụ án thời điểm ông N. và bà L. bị thảm sát. |
Vụ thảm sát kinh hoàng
Người dân địa phương cho hay, sau cái chết của người phụ nữ có cách tu luyện kỳ lạ, căn nhà bao trùm bởi sự hoang lạnh. Không người trông nom, căn nhà ẩm mốc, rêu phong. Bên ngoài, hàng cây cảnh, cây dại xâm lấn, phủ tán lên mái nhà. Ngôi nhà lọt thỏm trong những tán cây ăn trái um tùm, dây leo chằng chịt. Không lâu sau đó, chủ căn nhà tiếp tục thuê thêm đời quản gia thứ hai. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Văn N. (SN 1963) và Phạm Thị L. (SN 1964), cùng quê tỉnh Bến Tre. Họ được thuê để quét dọn, bảo quản căn nhà cũng như chăm sóc vườn cây ăn trái rộng lớn.
Ông Nguyễn Công Thành, Trưởng ấp Tân Hòa cho biết, sự có mặt của vợ chồng ông N. khiến căn nhà bớt phần hoang lạnh. Cả hai ra sức phát quang cây cỏ, xóa bỏ bộ mặt u ám của căn nhà. Lúc này, người dân không còn nghe thấy tiếng kinh cầu, khói nhang nghi ngút từ ngôi nhà như những ngày trước. “Vợ chồng ông N. quanh năm lo quét dọn nhà cửa và chăm vườn chôm chôm cho chủ. Họ cũng ít tiếp xúc với người bên ngoài nhưng không đến nỗi sống khép kín như cặp mẹ con tu luyện dị giáo trước đó. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, sau 3 năm sinh sống tại căn biệt thự, dù không mâu thuẫn với ai, họ lại trở thành nạn nhân của vụ thảm sát gây chấn động dư luận địa phương lúc bấy giờ”, ông Thành bắt đầu câu chuyện ly kỳ thứ hai về ngôi nhà có biệt danh “biệt thự ma ám”.
Ông kể, chính ông là người đầu tiên nhận được tin báo việc vợ chồng ông N. tử vong trong ngôi biệt thự. Thời điểm ông nhận tin báo về vụ việc, 2 nạn nhân đã bị sát hại trước đó nhiều ngày. “Không ai biết việc vợ chồng ông N. bị giết cả. Mãi sau này, có người đi ngang căn nhà ngửi thấy mùi hôi thối mới sinh nghi và báo cho tôi. Lúc tôi có mặt, cổng, cửa trước căn nhà đều bị khóa chặt từ bên trong. Tôi và lực lượng công an phải phá cửa để vào bên trong. Tại đây, tôi nhìn thấy thi thể bà L. nằm dưới sàn nhà. Trên cơ thể bà này có nhiều vết thương. Đặc biệt, phần miệng của bà có nhiều dấu vết như bị đâm, chém”, vị Trưởng ấp Tân Hòa kể.
Đi xuống phía nhà dưới, ông Thành tiếp tục phát hiện thêm thi thể của ông N.. Người này cũng bị hung thủ sát hại bằng nhiều nhát chém. Nhớ lại chuyện cũ, ông Thành phân tích: “Theo quan sát tại hiện trường, tôi nghĩ vợ chồng ông N. đang ăn cơm tối thì bị hung thủ bất ngờ tấn công. Tại hiện trường lúc đó còn vương vãi chén bát, nồi cơm, bát canh ăn dở của các nạn nhân. Căn cứ vào hình dạng các vết thương, tôi nghĩ họ bị tấn công, sát hại bằng loại dao lớn và rất sắc”.
Bí ẩn chưa lời giải
Vị Trưởng ấp Tân Hòa kể, đến bây giờ, ông vẫn bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong vụ trọng án. Ông cho hay, dù sự việc trôi qua đã lâu nhưng mỗi khi bước chân đến căn biệt thự, hình ảnh ghê rợn của vụ án lại hiện lên rõ mồn một trước mặt ông. “Có lẽ vợ chồng ông N. đã kháng cự kịch liệt với kẻ tấn công, sát hại mình. Việc các nạn nhân bị thương tích nặng, thậm chí đứt lìa cánh tay đã chứng minh cho nhận định này. Ngoài ra, có lẽ hung thủ đã lẻn vào căn biệt thự từ phía nhà sau. Tại đây, kẻ thủ ác phát hiện và bất ngờ tấn công ông N. trước. Bị đánh, ông N. quyết liệt chống trả và hô hoán, báo hiệu cho vợ chạy trốn. Tuy nhiên, ông này không chống trả được lâu vì hung thủ ra tay vô cùng tàn độc. Ít phút sau, ông này nằm chết ngay cửa ra vào của nhà sau”, ông Thành phỏng đoán.
Cũng theo ông Thành, khi phát hiện chồng bị tấn công, có lẽ bà L. cố gắng tháo chạy lên phía nhà trên và la hét cầu cứu. Vị Trưởng ấp Tân Hòa phân tích: “Lúc này, tên hung thủ đuổi theo truy sát, tấn công vào phần miệng của nạn nhân để bà này không thể kêu cứu. Các vết thương chi chít trên mặt, đặc biệt là ở vùng miệng của bà L. phần nào lý giải cho nhận định này. Đây là vụ án chấn động dư luận thời điểm đó nên công an vào cuộc điều tra hết sức gắt gao. Tuy nhiên, sau nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến nay, công an vẫn chưa tìm ra hung thủ cũng như động cơ gây án của kẻ thủ ác”.
Hồ sơ vụ án ghi nhận, tại hiện trường, ngoài các dấu vết cho thấy nạn nhân và hung thủ có xảy ra giằng co quyết liệt, đồ đạc trong nhà không có gì xáo trộn, cũng không có dấu hiệu bị lục lọi. Giả thuyết các nạn nhân bị kẻ thủ ác sát hại để cướp tài sản hầu như không có căn cứ vì họ không mất bất kỳ một tài sản nào. Vật dụng có giá trị trong căn biệt thự cũng còn nguyên. Thậm chí, 2 chiếc điện thoại và 2 xe gắn máy trong nhà vẫn còn nguyên sau khi vụ án xảy ra. Ngoài ra, giả thiết vợ chồng nạn nhân bị sát hại do thù oán cá nhân cũng nhanh chóng bị loại bỏ. Bởi theo người địa phương, 2 nạn nhân tốt tính, sống hiền lành và chan hoà với mọi người. Tuy đã có tuổi nhưng 2 người cần mẫn lao động kiếm tiền giúp đỡ con cháu ở quê. Sau 4 cái chết có nhiều tình tiết bí ẩn, căn biệt thự tiếp tục chìm trong những lời đồn đại đậm chất liêu trai, để rồi chết danh “biệt thự ma ám”.
Trao đổi với PV ĐS&PL, đại diện Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, muốn biết thông tin về vụ án ông Nguyễn Văn N. và bà Phạm Thị L. bị sát hại tại căn biệt thự trên đường Trần Văn Trà, cơ quan báo chí cần làm công văn gửi đến đơn vị để ban Giám đốc xem xét, phân công phòng, ban cung cấp thông tin.
Nỗ lực điều tra nhưng chưa có kết quả Ông Nguyễn Công Thành, Trưởng ấp Tân Hòa cho biết, thời điểm xảy ra vụ án, dư luận hết sức quan tâm và hoang mang cực độ. Trước tình hình này, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các đơn vị chức năng tích cực điều tra. Do là người phát hiện, đến hiện trường đầu tiên và là Trưởng ấp nên ông Thành liên tục được lực lượng chức năng mời hợp tác điều tra. Những hình ảnh từ vụ án này đã ám ảnh ông nhiều năm. Đến nỗi, ông không bao giờ muốn đến căn nhà này trừ trường hợp bất đắc dĩ. “Đến nay, sau nhiều thời gian nỗ lực điều tra nhưng không có kết quả, tôi không còn thấy lực lượng chức năng đến căn nhà này nữa. Có lẽ vụ án đã chìm vào quên lãng rồi”, ông Thành chia sẻ. |
Hà Nguyễn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 103