(ĐSPL) - “Chúng tôi không lấy tiền, không lấy gỗ khác thay thế chỉ mong muốn phục vụ nguyên trạng như cũ”.
Clip sư cô Thích Diệu Bản trần tình về việc bán 4 thanh kẻ bằng gỗ sưa trong đình làng Cựu Quán.
Liên quan đến việc mua bán 4 thanh kẻ bằng gỗ sưa trong đình làng Cựu Quán được bán cho sư trụ trì chùa Nội An vào tối ngày 2/3 tại xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội, PV Báo Đời sống và Pháp Luật đã vào cuộc xác minh.
Theo tìm hiểu của PV, việc mua bán diễn ra vào lúc 18h ngày 2/3, tại nhà kho của chùa Nội An, nằm ngay sát bên cạnh đình làng. Hai nhân chứng duy nhất có mặt tại thời điểm mua bán là bà Nguyễn Thị Trọng - trưởng các vãi thôn Cựu Quán và ông Nguyễn Phú Bảo là người dân.
Bà Trọng thắc mắc về việc bán gỗ quý của làng thì được một số cán bộ chức sắc trong ban quản lý đình, chùa đưa biên bản nói đã có chủ trương, được sự nhất trí của ban lãnh đạo, ban khánh tiết và các cụ. Nhóm người này còn mời bà Trọng và ông Bảo làm chứng việc cân gỗ sưa và giao nhận tiền giữa hai bên.
Bà Nguyễn Thị Trọng chỉ lại hiện trường nơi bán gỗ sưa. |
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Trọng cho biết: “Số gỗ sưa này được cân làm bốn lần, trong đó hai mã 29 cân, một mã 33 cân, một mã 36,5 kg tổng số cộng lại là 127,5 kg. Các ông còn bảo tôi ký vào để xác nhận nhưng tôi nói không được họp, không dám đại diện cho dân nên không ký. Sau khi làm thủ tục giao nhận tiền xong, bốn thanh gỗ sưa được chuyển đi bằng ô tô nhưng không rõ là chuyển đi đâu”.
Theo chi hội người cao tuổi và hai giới các cụ trong thôn, việc tự tiện tháo dỡ mái đình, lấy gỗ sưa đem bán không được thông báo rộng rãi cho người dẫn đến việc người dân vô cùng bất bình, phẫn nộ. “Chúng tôi không lấy tiền, không lấy gỗ khác thay thế, chỉ mong muốn phục vụ nguyên trạng như cũ”, bà Nguyễn Thị Thi (88 tuổi) tự mình đánh trống đại diện cho giới các cụ cho biết.
Cụ bà Trần Thị Thi (88 tuổi) nói: “Chúng tôi không lấy tiền, không lấy gỗ khác thay thế mà chỉ mong muốn trả lại nguyên trạng như cũ”. |
Trước sự phản ứng dữ dội của người dân thôn Cựu Quán, trụ trị chùa Nội An Thích Diệu Bản xác nhận là người trực tiếp đứng ra mua 4 thanh kẻ gỗ trên từ đình Cựu Quán với số tiền là 1,2 tỉ sau đó đã bán cho một nhóm người khác không rõ lai lịch vì bị ép!?
Theo sư cô Thích Diệu Bản, ban đầu sư cũng không có ý định mua nhưng vì các cụ bán với mục đích để mua ruộng mở mang khuôn viên chùa nên giúp các cụ. Sư cô cho rằng đây cũng là việc tốt để mở mang chùa cảnh, đình đền, làm đẹp cả khuôn viên.
Trụ trì chùa Nội An trong buổi làm việc với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật. |
Trả lời câu hỏi của PV về việc nhà nước có quy định cấm buôn bán gỗ sưa dưới mọi hình thức, sư Bản nói không nắm rõ và chỉ nghĩ là cấm khai thác ở trong rừng. “Việc mua bán là có biên bản giấy tờ ký kết hẳn hoi, được sự nhất trí của các ban bệ. Các cụ là những người cầm cờ để làm việc cho dân, có sơ suất là không thông báo rộng rãi cho người dân biết”.
Sư cô cho biết thêm, “chùa Cựu Quán ngày xưa là kho đạn lúc chiến tranh, khi hòa bình xong là lò sát sinh giết trâu giết bò, lợn chia cho bà con hợp tác xã. Hoành phi câu đối được đưa xuống làm mâm, làm thớt. Phật ngày đấy còn phải mặc áo mưa ngồi trong chùa.
Sư cô Diệu Bản và ngưởi dân thôn Cựu Quán ngày mới về trụ trì (ảnh do trụ trì chùa cung cấp). |
Nghe các cụ kể lại, chùa ngày xưa nhiều gỗ sưa lắm, hợp tác xã cưa hẳn cây sưa to, họ cho cành để sửa đình, sửa chùa còn thân cây to, xẻ ra đóng tủ, đóng ghế băng cho học sinh ngồi. Khi chùa sập nóc, các cụ dỡ xuống đem nhóm bếp, nhà chùa phải nhờ người bổ giúp để đun vì gỗ cứng quá. Các cụ cũng không bổ được vứt ra vườn đợi đến Tết nấu bánh chưng đun dần. Ngày đó có biết gỗ sưa là cái gì đâu, chỉ biết gỗ là gỗ.
Sau khi tu sửa chùa, các cụ trong ban đình chùa mới tận dụng những gỗ linh tinh, chắp vá làm bán mái che đình để không bị mưa, treo tấm hoành phi câu đối cho đẹp. Do chắp vá, có cái mới, cái cũ, có cái đã bị mục xuống cấp và dẫn đến dột các cụ sửa lại nhiều lần, mãi sau này mới biết đó là gỗ sưa”.
Đỗ Việt– Mai Chiến