103 bệnh nhi tử vong vì sởi khiến nhiều người giật mình, nhưng đâu là sự thật phía sau những con số này?
Theo thông tin từ bệnh viên Nhi TW, số bệnh nhân tử vong trực tiếp do sởi là 25 trường hợp, còn lại 78 trường hợp tử vong do bệnh nhi đã mắc các bệnh khác và bị lây nhiễm sởi gây bội nhiễm làm tử vong.
Sởi không nguy hiểm. nhưng để biến chứng là nguy hiểm. Ảnh: T.T |
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi TW cho biết: Những trẻ tử vong trực tiếp từ bệnh sởi không nhiều mà chủ yếu do trẻ bị bệnh trước đó như viêm phổi, tim bẩm sinh… sau đó bị lây nhiễm sởi. Trẻ bị bội nhiễm do vi khuẩn khác có cơ hội tấn công. Điều này khiến trẻ tử vong.
Từ phía Bộ Y tế vẫn khẳng định, đến nay, trường hợp tử vong do sởi là 25 trẻ. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Từ tháng 11/2013 đến 31/3/2014, cả nước ghi nhận 3.380 trường hợp mắc sởi, trong đó có 25 trường hợp tử vong.
Các trường hợp mắc bệnh rải rác tại nhiều tỉnh. Tuy nhiên, tại một số tỉnh ghi nhận ổ dịch sởi tập trung với quy mô nhỏ và vừa như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM không xuất hiện ổ dịch sởi tập trung lớn, nhưng số mắc rải rác xảy ra trên diện rộng.
Về yếu tố bất thường của bệnh sởi năm nay, PGS.TS Lê Thanh Hải cho rằng, không có gì khác thường về chủng gây bệnh sởi. Năm nay thuộc chu kỳ 3 – 5 năm bệnh sởi bùng phát kể từ vụ dịch 2009 - 2010.
Khi bệnh nhi nhiễm sởi cần điều trị, cách ly và chăm sóc từ tuyến dưới, tập trung lên tuyến trên khiến mật độ bệnh nhân đông, nguy cơ bội nhiễm càng cao.
Còn PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: Để xem xét bệnh viêm sởi năm nay có những diễn biến bất thường hay không phải dựa vào tác nhân gây bệnh với những sự biến đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gen, thay đổi về độc lực. Cần thiết, phải xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng như thế nào.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy các chủng vi rút sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực. Việc xuất hiện, sự gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch thời gian qua với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác”, ông Phu nói.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng: Nguyên nhân bùng phát bệnh sởi là do quá trình tích luỹ những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh.
Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi cho trẻ em.
Qua khảo sát tại Khoa truyền nhiễm, bệnh viện Nhi TW, đa số các ca bệnh nhiễm sởi nặng nằm điều trị tại tầng 1 khoa này thì 100\% người được hỏi cho biết, con bị viêm phổi trước khi bị nhiễm sởi.
Chị Hà T. H (Hải Dương) có 2 con sinh đôi bị nhiễm sởi. 1 cháu bị viêm phổi điều trị tại khoa hô hấp, bệnh viện Nhi TW sau đó bị sởi nên phải chuyển qua khoa Truyền nhiễm. Hiện, bệnh cháu đang rất nặng đang nằm điều trị tại phòng 112. Một cháu nữa bị nhẹ hơn nên đã được xuất viện.
Tương tự, chị N.T. M, (Vĩnh Phúc) có con 8 tháng tuổi bị viêm phổi nên sốt cao. Sau đó, cháu bị nhiễm sởi nên phát ban, tím tái tay chân và được chuyển sang khoa Truyền nhiễm điều trị.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: Sởi không nguy hiểm. nhưng để biến chứng là nguy hiểm.